2 thg 4, 2013

Một người còn cười được trong cảnh kẹt xe


“Kẹt xe mà nó cứ cười mấy ông ạ! Mấy ông tin nổi không? Tui là tui chứng kiến tận mắt chứ không thì cũng không tin”, ông Tư mở đầu câu chuyện buổi sáng với mấy ông bạn già ở câu lạc bộ dưỡng sinh bằng một thông tin thật sốc.

Nhưng nó là ai? “Tui cũng chả biết nó là ai nữa. Chiều qua tui đi đón con Ti giùm vợ chồng thằng Sơn, về tới đoạn có cái lô cốt gần đường rầy xe lửa thì tui thấy nó. Giữa dòng người chật như nêm, nhích từng tấc từng tấc qua cái lô cốt, rồi thì khói bụi, còi xe, chửi thề … tất tật tật, nói chung là giữa chốn hỗn loạn mà mặt mày nó cứ phơi phới, nó cười tươi, huýt gió, vui vẻ bắt chuyện với mấy người xung quanh nữa chứ. Thôi, gọi đại nó là “thằng cười” nha! “Thằng cười” rất chi là bình thản, không chen lấn, không vội vã và mặt lúc nào cũng hớn hở. Giữa bao cái mặt nặng như chì thì cái mặt cười của nó tự nhiên sáng bừng, trở thành trung tâm của mọi ánh nhìn, và phần nhiều người ta nhìn nó như nhìn … vật thể lạ trên trời rớt xuống”. Ông Tư kể lại chuyện “thằng cười” bằng giọng điệu sôi nổi pha lẫn thích thú, mấy ông bạn của ông cũng chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng chen ngang bằng những câu hỏi nhỏ.

Hoàn cảnh gặp gỡ của ông Tư Quắc (giữa) và “chàng cười”
Bác nhà văn Năm Câu vừa múa một đường Thái Cực Quyền vừa gật gù :“Cười giữa chốn kẹt xe thì đúng là … sinh vật lạ! Mà tui nghi thằng này bị tâm thần phải không ông Tư?
Ông Tư cãi :“Bậy nè! Nó tỉnh bơ à. Tui có nói chuyện với nó mà. Nó hỏi tui chứ cái lô cốt này có lâu chưa bác? Rồi nó hỏi con Ti học lớp mấy mà mang cái cặp tổ chảng vậy. Rồi lúc con Ti mang vở ra học bài, nó còn chỉ con Ti làm toán nữa mà. Nó còn phụ với bà ở bên trái xe của nó lặt rau muống, sau đó nó với ông già đi xe Chaly ở bên phải nó thảo luận rùm beng về cái dự án thu phí ôtô vô nội đô. Nó nói chuyện tỉnh táo, bình luận sắc bén lắm … Tóm lại cả tiếng đồng hồ kẹt xe, tui đã quan sát và khẳng định, “thằng cười” không có tâm thần!”
Bác Ba Quắc thắc mắc :”Vậy sao “thằng cười” lại cười giữa chốn kẹt xe ta?”
Ông Tư trầm ngâm: “Cho đến giờ thì tui cũng không biết nữa. Mấy người kẹt xe chung với tui, với nó chiều qua cũng không ai biết. Ai cũng nhìn cái mặt cười của nó rồi đoán già đoán non. Con nhỏ mặc váy, chắc là nhân viên văn phòng, nói anh này chắc mới được sếp tăng lương. Thằng đẩy xe cá viên chiên –  cũng tại thằng này mà kẹt càng thêm kẹt nà – nó nói cha đó trúng số đó. Ông đầu hói kẹp ba đứa nhỏ đi học về kèm theo bó cải bẹ xanh to đùng trên chiếc dream lùn,  thì bảo đảm thằng này chưa có vợ. Còn cái bà mà nó phụ lặt rau muống thì chắc 100% là chú này có người nấu cơm sẵn ở nhà nè, về là chỉ việc tắm rửa, thay quần áo rồi ngồi vào bàn ăn thôi. Một số người khác thì tranh thủ gọi điện cho người thân hỏi giá xăng mới đột ngột giảm phải hông. Con Ti nhà tui thì quả quyết rằng ngày mai chú đó chỉ đến trường một buổi thôi, tối không phải học thêm ở nhà cô giáo … Vậy đó!” ông Tư thở dài bất lực.

Sự vui vẻ của “chàng cười” hoàn toàn đối nghịch với tâm trạng của những người kẹt xe lúc đó
Mấy ông bạn của ông Tư góp thêm vài suy luận có thể khiến một người cười nổi giữa chốn kẹt xe nữa, nhưng góp cho  vui vậy thôi, chứ có “thằng cười” ở đây đâu mà kiểm chứng là đúng hay sai.
Bất chợt mắt ông Tư vụt sáng: “Tui nghĩ có thể nguyên nhân khiến nó cười là … chẳng có nguyên nhân nào cả. Đơn giản đó là một người lạc quan, biết chấp nhận thực tế, khi biết không thay đổi được những khó khăn thì vui vẻ đón nhận. Mấy ông thấy tui nói đúng không?”
Cả hội vỗ tay tán thành suy luận của ông Tư và không tiếc lời ca ngợi tinh thần lạc quan của chàng trai trẻ. Một cụ nào đó còn đề nghị nêu gương “chàng cười” lên báo. Đề nghị được ủng hộ nhiệt liệt, vì nếu mô hình được nhân rộng, chúng ta sẽ không phải hầm hầm nhìn nhau giữa chốn kẹt xe, không còn tiếng còi inh ỏi sau lưng, không còn cãi vã, chửi thề … Phải nêu gương thôi, nhân rộng thôi! Câu chuyện đầu ngày của những ông bạn già trong câu lạc bộ dưỡng sinh phấn chấn hẵn lên.
Ông Tư lật một tờ báo, để coi, đưa “chàng cười” của chúng ta vào mục nào cho hợp lý đây. Ơ … Ơ … ai kia! Ơ … Ơ … nó kìa! “Thằng cười” nè … Hình nó nè!
Cả hội chăm vào bài báo “Bao giờ cho hết kẹt xe” với tấm ảnh kẹt xe nằm chình ình giữa bài,  “thằng cười”, theo ngón tay chỉ của ông Tư, được đánh dấu bằng chữ x, bên dưới là chú thích: tác giả bài viết chôn chân trong một vụ kẹt xe.
Lác đác những tiếng thở dài vang lên, rồi một giọng chua chát nào đó đúc kết: “Nó cười vì nó đang làm việc, nó đang kiếm tiền, chứ  KẸT XE AI MÀ CƯỜI CHO NỔI!”

17 nhận xét:

đúng là tâm lí người tham gia giao thông, nói thật mình tham gia giao thông thì mình cũng có tâm lí như vậy. có lẽ đó là cái tâm lí chung của người Việt thôi, tâm lí thích tiện đủ đường, khôn lỏi và ích kỉ!

ra đường bây tôi rất sợ tắc đường. Xung quanh toàn mùi khói xe, bụi, nắng rồi lại còn kẹt cả tiếng đồng hồ nhích mãi ko đi nổi, mất thời gian vô cùng :(

Cở sở hạ tầng của chúng ta còn kém, ý thức của người tham gia giao thông cũng kém do đó chuyện tắc đường là thường xuyên xảy ra. Do đó phải nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân, nâng cao mở rộng các làn đường, đẩy mạnh công tác của công an giao thông như vậy thì mới hạn chế được tắc đường, tai nạn

có lẽ là đầu tiên phải nâng cao ý thức của mỗi người dân trong khi tham gia giao thông thì có lẽ tắc đường mới ko trở thành vấn nạn được

đúng vậy, ở những thành phố lớn tắc đường, kẹt xe chính là một nỗi lo của người dân khi đi ra đường. Chúng ta phải tự nâng cao ý thức bản thân mỗi khi ra đường, đừng chỉ biết chen lấn nhau mà đi

Văn hóa giao thông việt nam có thể nói là văn giao thông điền chỗ trống, chỗ nào trống là người dân đi thôi. vỉa hè, lề đường, ngược chiều... kiểu gì cũng có. Để giao thông khỏi tắc nghẽn trước hết phải xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của người dân trước đã.

Bây giờ ở hà nội cũng đỡ kẹt xe nhiều rồi. Nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân vẫn còn kém lắm, Chắc phải 10-20 năm nữa ý thức của người dân trong khi tham gia giao thông mới khá lên được.

Đến khổ cái cảnh kẹt xe này, giữa trời nắng nóng thì thôi rồi, phải có những biệt pháp cụ thể để giảm thiểu tình trạng trên

nói thật nhìn cái cảnh trên mình thấy buồn cười quá, người nước ngoài họ nói Việt Nam làm việc ngoài đường cũng có lí, và muốn tham gia mạo hiểm thì tham gia giao thông tại Việt Nam, tuy hơi quá lời nhưng quả thật tâm li đi đường như vậy thì giao thông tắc là đúng

Cười giữa dòng xe kẹt cũng chả có gì lạ cả, con người đâu phải lúc nào cũng mặt nhăn mày nhó, Như tôi khi kẹt xe nhìn dòng người đi đường chen nhau lại có một cảm giác gì đó thấy ấm áp trong lòng, có một sự bình yên đến lạ kỳ. Chỉ cần mọi người có cách tiếp nhân vấn đề khác đi thì đời sẽ tươi đẹp lên thôi.

đường xá ở việt nam giờ cũng chưa thể đáp ứng được lượng phương tiện lớn như vậy, nếu người tham gia giao thông ý thức tốt xíu thì có lẽ tình trạng tắc nghẽn cũng sẽ giảm bớt phần nào

Trời mùa hè mà kẹt xe giữa đường thì không còn gì nhọ hơn. xin lỗi đời quá đen. tuy rằng bây giờ tình trạng kẹt xe cũng đỡ nhiều, nhưng vào giờ cao điểm vẫn còn tình trạng kẹt xe. Mong rằng các cơ quan chức năng tiếp tục có biện pháp cải tạo đường xá để giảm tình trạng kẹt xe như hiện nay.

Kẹt xe nó đã trở thành chuyện bình thường, chúng ta phải học cách sống chung với lũ, luôn nở nụ cười trên môi như thế cuộc sống mới tươi đẹp. Nghĩ cảnh giữa đám kẹt xe mà mọi người trong lúc chờ đợi có thể cười đùa nói chuyện với nhau thì cuộc sống tươi đẹp biết bao nhiêu.

ĐM đường đã kẹt xe rồi lắm khi các bố còn cố chen lên lắm khi đâm cả vào mình bực vãi. Muốn cười lắm chứ nhưng giữa cái lúc đông kín người, viêc thì bận, lo đến muộn thì bố ai mà cười được nữa. Nói chung là không tắc đường thì tốt nhất, lúc đó tha hồ mà cười.

Có lẽ người còn cười được giữa cảnh kẹt xe chỉ có thể là một người vô ưu vô lo, biết sống chung với cảnh kẹt xe, luôn vui vẻ với thực tại hoặc cũng có thể là một người bị down, như tôi mà đứng giữa đám kẹt xe lại còn vào trời nắng gắt nữa thì chắc chắn là tắt hẳn nụ cười trên môi.

Một điều nhịn là chín điều lành, bây giờ không những nhiều người tham gia giao thông ý thức kém mà còn dễ nôn nóng, hơi đụng chạm một chút là quay ra cãi vã thậm chí đánh nhau cũng nên. Không chỉ phải nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân mà còn phải nâng cao cách ứng xử, văn hóa của con người việt nam

Văn hoá đi đường cũng là một văn hoá cần phải được nâng cao. Sống ở một thành phố văn minh thì cũng cần ứng xử một cách văn minh, kể cả từ việc đi đường. Mỗi người sẽ góp phần làm cho thành phố đẹp hơn.

Đăng nhận xét

Người hâm mộ

 
Chia sẻ