Đất Mẹ
Xưa nay chuyện phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc không còn xa lạ. Sướng hay khổ là phúc phận của mỗi người, cũng như những cặp vợ chồng thuần Việt ở xứ ta vậy thôi... Không phải cuộc hôn nhân ngoại quốc nào cũng có kết cục xấu. Tuy nhiên, khi hiện tượng này gần như trở thành trào lưu, khi người phụ nữ quyết định chọn tấm chồng không xuất phát từ tình yêu, khi cuộc sống có quá nhiều khác biệt... sự rủi ro trong canh bạc cuộc đời mà họ tự lựa chọn, càng dễ xảy ra.
Các cô gái Việt xếp hàng để được đàn ông Hàn Quốc tuyển chọn(ảnh nguồn internet). |
Hiện nay nhiều cô dâu Việt Nam có sự kỳ vọng quá lớn về cuộc sống ở xứ người. Họ nghĩ rằng, lấy chồng ngoại, họ được sống trong một thế giới khác, được đổi đời. Tuy nhiên, thực tế tại các nước có phụ nữ Việt tới làm dâu hiện nay vẫn còn rất nhiều người đang sống rất khó khăn.
Tại Hàn Quốc có khoảng 2.000 công ty môi giới hôn nhân hoạt động. Lợi dụng tình trạng có nhiều người Hàn Quốc không lấy được vợ trong nước, nhiều công ty môi giới hôn nhân đã lao vào lĩnh vực đi tìm vợ ở các nước châu Á lân cận cho số người này. Vì hám lợi, các công ty này sẵn sàng che giấu tình trạng sức khỏe của những người Hàn Quốc muốn lấy vợ nước ngoài và đánh lừa các cô dâu tương lai thường đến từ những nước nghèo hơn. Cô dâu Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người ngoại quốc lấy chồng Hàn. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện có 47% cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc đến từ Việt Nam, 26% đến từ Trung Quốc và 10% từ Campuchia.
Và kết quả ra sao?
Trong nhịp sống hối hả, thỉnh thoảng lại xảy ra một vụ việc đau lòng từ những số phận làm dâu xứ lạ, làm cả xã hội bàng hoàng. Nhiều người vẫn nhớ, cách đây bốn năm, một người phụ nữ Việt đã cùng quẫn chọn cách kết thúc đời mình bằng cái chết bi thảm vào đúng ngày 30 Tết. Đó là người phụ nữ 22 tuổi, mới theo chồng về Hàn Quốc chưa đầy một tháng. Năm ngoái, một phụ nữ ở huyện Hàm Tân (Bình Thuận) bị chồng người Hàn Quốc giết vì lý do thật ẩm ương: vợ ông nói tiếng Hàn quá kém, trong lần cãi vã không đi đến đâu vì bất đồng ngôn ngữ! hay nhiều trường hợp trước đây như tháng 5/2011, một người chồng Hàn Quốc là nông dân đã đánh vợ gốc Việt tới chết khi đứa con 19 ngày tuổi của họ đang nằm cạnh người vợ.
Năm 2010, một phụ nữ Việt khác bị chồng giết chỉ một tuần sau khi họ kết hôn. Còn năm 2008, một phụ nữ khác đã nhảy từ trên tầng cao của tòa chung cư vì bị chồng và mẹ chồng lạm dụng. Hầu hết những cuộc hôn nhân này đều được kết nối chóng vánh từ các công ty môi giới.
Những người phụ nữ tìm đến cái chết thì đã nhìn thấy, đo đếm được. Trên thực tế, con số phụ nữ bị bạo hành về thể xác và tinh thần hiện vẫn đang phải chịu đựng ở đâu đó nơi xứ người không ai có thể thống kê, ước tính được là bao nhiêu. Những nơi có nhiều cô gái đi lấy chồng ngoại nhiều ngôi nhà cũ kĩ, xấu xí, được thay bởi nhà cao tầng, bởi tiện nghi trong sinh hoạt... từ các gia đình có con gái lấy chồng ngoại quốc ấy. Nhưng sự đánh đổi nào cũng có cái giá của nó. Trong câu chuyện hôm nay, nam thanh niên những vùng này trở nên khó khăn hơn trong việc tìm bạn đời. Những số phận, những câu chuyện về cuộc sống khi bị đồng tiền chi phối trở nên nghiệt ngã hơn bao giờ hết...Những vụ việc phụ nữ Việt bỏ thân ở xứ người vừa qua cho thấy có rất nhiều vấn đề còn tồn tại trong hôn nhân có yếu tố ngoại quốc, đặc biệt những cuộc hôn nhân theo kiểu mai mối.
Cần một giải pháp phù hợp
Mấy năm trở lại đây, khi nảy sinh vấn đề cô dâu Việt Nam, các cơ quan Nhà nước phần nào đã chủ động vào cuộc, tích cực có những giải pháp phù hợp với tình hình, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Các hành động nêu trên là chưa đủ, điều cần làm hiện nay là phải có sự liên lạc, cũng như thông tin tốt hơn đến với các cô dâu Việt Nam ở xứ người. Tiếp đó phải xúc tiến mạnh mẽ những vấn đề liên quan đến Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước có liên quan vấn đề này, ví như Việt Nam với Hàn Quốc...
Cần một giải pháp bảo vệ giá trị phụ nữ Việt nơi xứ người! |
Ngoài ra, chúng ta cần xem xét bổ sung và sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, đặc biệt với các quy định liên quan tới hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Cần có quy định cụ thể hơn và phải có chế tài để chúng ta xem xét các vấn đề hết sức cụ thể. Ví dụ như điều kiện kết hôn phải: Hai người phải có mặt ở Việt Nam, tránh những việc vừa rồi xảy ra là đăng ký bên kia rồi họ quay trở về để bên Việt Nam thừa nhận; phải có quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới kết hôn có yếu tố nước ngoài...Và có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn có hiệu quả những tiêu cực nảy sinh, hạn chế những sự việc đau lòng khác xảy ra.
Vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi trực tiếp quản lý hành chính hàng ngày với bà con, cần phải được làm rõ để có kết nối về mặt trách nhiệm tốt hơn, đặc biệt là chính quyền cấp xã – nơi còn nhiều khó khăn, nhưng thông tin từ trên xuống muốn đến được với người dân thì phải qua khâu trung gian này.
Với những địa phương có nhiều con em đi lấy chồng nước ngoài, chính quyền cấp càng phải quan tâm hơn tới số phận của người dân. Những tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng như Hội liên hiệp phụ nữ cần tuyên truyền tốt hơn trong giới của mình.
Theo Việt Nam ngày về!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét