18 thg 3, 2013

ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI


Nắng ấm
An sinh xã hội (ASXH) là hệ thống các giải pháp nhằm vừa bảo vệ mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường, vừa góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Như vậy, đảm bảo ASXH không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà đó còn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước.


Trong nhiều thập kỷ qua, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc không ngừng cải thiện chế độ tiền lương, tiền công và nâng cao thu nhập cho người lao động, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chăm lo đến ASXH cho nhân dân. Ngay từ Đại hội lần thứ III, Đảng ta đã xác định “… Cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân thêm một bước , làm cho nhân dân ta được ăn no, mặc ấm, tăng thêm sức khoẻ, có thêm nhà ở và được học tập, mở mang sự nghiệp, phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị…”. 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, công tác bảo đảm ASXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thiết thực vào sự phát triển của đất nước. Đó là những vấn đề về tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, giáo dục đào tạo và dạy nghề, chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; về trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; về hỗ trợ người có hoàn cảnh đặc thù về nhà ở; về đảm bảo nước sạch cho người dân nông thôn; về đảm bảo thông tin cho người nghèo, vùng nghèo.
Tuy nhiên, việ bảo đảm ASXH vẫn còn những bất cập, yếu kém và  phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực đảm bảo ASXH cho người dân: Tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Mức trợ cấp ưu đãi người có công còn thấp. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; kết quả phổ cập giáo dục ở nhiều huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu sổ; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao và giảm chậm. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn thấp. Đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, chưa đảm bảo được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về nhà ở và sử dụng nước sạch. Chênh lệch các chỉ số về ASXH giữa miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước còn lớn.
Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt chính sách ASXH là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta, phù hợp với dòng chảy của giá trị chung nhân loại. Thực hiện tốt chính sách ASXH vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự PTBV, ổn định chính trị - xã hội. Để thực hiện tốt quan điểm nhất quấn và xuyên suốt đó, hiện nay và trong thời gian sắp tới, cần tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau:
Đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bằng cách tạo nhiều cơ hội việc làm với thu nhập ngày càng tăng và ổn định; nâng cao thu nhập, hỗ trợ tiền mặt để bảo đảm thu nhập tối thiểu; tăng cường cải thiện điều kiện việc làm thông qua vay vốn tạo việc làm, thực hiện các chương trình dạy nghề, đào tạo lao động ở nông thôn.
Phát triển và mở rộng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp và huy động sự tham gia rộng rãi của người lao động. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội hiện nay, đây là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng.
Trợ giúp kịp thời những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo đảm mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Bảo đảm giáo dục tối thiếu, tập trung chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, tăng quy mô số lượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú, mở rộng mô hình trường bán trú và chiến lược về đào tạo, dạy nghề.
Bảo đảm dịch vụ y tế và giáo dục ở mức tối thiểu. Cần hỗ trợ người dân có trình độ giáo dục tối thiểu, tăng cường chất lượng nguồn lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. Đặc biệt, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở các tuyến cơ sở, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bảo đảm nhà ở và nước sạch cho người dân với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cùng Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015. Bảo đảm thông tin cho người dân bằng việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc tăng cường, thúc đẩy hợp tác quốc tế về ASXH là một tất yếu, mang lại nhiều kinh nghiệm quý và tranh thủ nguồn lực. Tuy nhiên, mấu chốt để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất đó là cần phải huy động được nguồn lực của toàn xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về tầm quan trọng của công tác ASXH; khẩn trương xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, sửa đổi, hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành và đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống; tăng cường kiểm tra giám sát các tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các thiết chế tự quản của nhân dân đối với viẹc thực hiện pháp luật và các chương trình ASXH. Có như vậy chúng ta mới thực hiện được mục tiêu đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong giai đoạn chiến lược tới, tạo lòng tin, động lực để phát triển đất nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Người hâm mộ

 
Chia sẻ