19 thg 3, 2013

VẤN ĐỀ LỢI ÍCH NHÓM Ở NƯỚC TA HIỆN NAY


Nắng ấm

Lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích là khái niệm chỉ một hiện tượng xã hội đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Nhóm lợi ích chính là biểu hiện của “lòng tham tập thể”, nhờ có nó mà con người tích cực lao động để tăng lợi nhuận cho phe nhóm của họ, đồng thời giúp cho xã hội năng động, sáng tạo, cạnh tranh mãnh liệt hơn. Nếu một quốc gia không có tham vọng cá nhân hay tập thể sẽ là những xã hội không có nhiều phát triển về văn hoá, chính trị hay kinh tế.

Nhóm lợi ích được đề cập trong bài này lại mang ý nghĩa tiêu cực hơn tích cực. Đó là vấn đề lợi ích nhóm ở đất nước Việt Nam chúng ta. Lợi ích nhóm ở đây là biến thể của chủ nghĩa cá nhân phát triển đến mức cao độ khiến tham nhũng phát triển sâu rộng, tích chất ngày càng phức tạp, trở thành nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng, của chế độ, tương lai của đất nước. Chủ nghĩa cá nhân, hám vinh hoa, phú quý hình thành nhóm lợi ích, có thể thao túng để đưa ra chính sách mang nặng đặc quyền, đặc lợi, vượt lên mức cho phép của nền kinh tế, xã hội, gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng trong các đơn vị, cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Vấn đề lợi ích nhóm là một vấn đề cực kỳ hệ trọng được xếp ngang hàng với một số bệnh như: bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí, cục bộ địa phương,… Và những biểu hiện của nó đã được điểm mặt chỉ tên, chúng ta có thể nhận ra những chúng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội:
Trong chính trị, nhóm lợi ích xuất hiện khi người ta lợi dụng quyền lực để đưa con cháu vào các vị trí có quyền lực. Có quyền lực thì sẽ có khả năng liên kết, thu vén bổng lộc, tiền tài. Công tác cán bộ còn bị nhóm lợi ích tác động rất tích cực, làm cho sai lệch trong đánh giá, bố trí, sử dụng. Ở một số cơ quan, tổ chức, người đứng đầu tổ chức khi đã bị thoái hoá về đạo đức, họ sẽ tuyển cán bộ vào đơn vị một cách không minh bạch và không dựa vào năng lực của người đó. Đó là biểu hiện của lợi ích nhóm.
Trong kinh tế, lợi ích nhóm được thể hiện ở việc một số ngành, lĩnh vực, tập đoàn, tổng công ty nhà nước sản xuất, kinh doanh mang tính độc quyền đã lợi dụng vai trò, nhiệm vụ được chính phủ giao để thao túng, dùng vốn nhà nước để đầu tư, kinh doanh những lĩnh vực ngoài chức năng, thu lợi bất chính hoặc làm thất thoát một lượng rất lớn tài nguyên, khoáng sản, tiền bạc của nhân dân nhưng vẫn không bị xử lý một cách nghiêm túc, triệt để. Đó là sự câu kết giữa một số cán bộ lãnh đạo, quản lý thoái hoá, biến chất để thao túng chính sách, tạo ra các chương trình, dự án kinh tế để chia chác nhau. Đáng chú ý ở đây là nhóm lợi ích bao che nhau nên số cán bộ có sai phạm lại được đề bạt vào chức vụ lớn hơn để dễ dàng thao túng cho nhau.
Trong xã hội, khi một số người biết một bản quy hoạch một vùng, một địa điểm nào đó vốn được giữ bí mật để bảo đảm khách quan, nhưng ai biết trước sẽ mạng lại nguồn lợi khổng lồ, nhất là về đất đai. Đó là biểu hiện của lợi ích nhóm. Nếu không có liên kết chính trị - kinh tế liên quan đến sự lỏng lẻo, sơ hở của thể chế thì không thể rò rỉ thông tin được.
Hiện nay, nhiều kiểu lợi ích nhóm đã phát triển trong các đơn vị, cơ quan công quyền, ngoài xã hội gây tiêu cực lan tràn đè nặng cuộc sống nhân dân, gây bức xúc, mất công bằng xã hội. Chính vì lợi ích nhóm mà khoảng cách phân hoá giàu nghèo ở nước ta ngày càng dãn ra: người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo đi. Của cải tập trung trong tay một số ít người trở thành vốn liếng để họ tìm mọi cách làm giàu hơn nữa, chủ yếu bằng cách đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh hợp pháp; hối lộ, móc ngoặc hoặc quan chức chính quyền để được hưởng các ưu đãi về đầu tư. Ngoài ra, một số quan chức ở nhiều cấp lạm dụng quyền lực mình được giao để tham nhũng và bản thân họ hoặc người thân của họ, trở nên giàu có, sau đó tiếp tục tham nhũng và chạy chức, mua chức để có nhiều dịp tham nhũng hơn. Tình tạng một số cán bộ lãnh đạo, quản lý “cài cắm” người nhà của mình vào các vị trí lãnh đạo, quản lý để mưu cầu lợi ích cá nhân là một hiện tượng đáng báo động, làm mất lòng tin của dân. Vì lợi ích cá nhân, những người giàu sẽ liên kết lại, hình hành các nhóm lợi ích của thiểu số. Những người thuộc các nhóm này không bao giờ chịu từ bỏ lợi ích của mình. Họ là nhóm người đã giành được và thực sự đang sở hữu lợi ích lớn có thể làm khuynh đảo hệ thống công quyền. Và chính vì siêu lợi nhuận, họ sẵn sàng đối lập với lợi ích của đa số nhân dân.
Rõ ràng, nếu không sớm ngăn chặn và làm suy yếu tác động của các nhóm lợi ích đối với việc hoạch định các quyết sách của Nhà nước thì mục tiêu xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ ngày một xa vời và kết cục của chế độ ta sẽ đi theo vết xe đổ của Liên Xô hoặc sẽ rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình như các nước Mỹ Latinh
Nói tóm lại, những biểu hiện của lợi ích nhóm như đã đề cập ở trên, suy cho cùng là những biểu hiện của tệ tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, là những vấn đề cần được đặt ra trong công tác phòng, chống tham nhũng. Vì thế, chống tham nhũng và chống lợi ích nhóm tiêu cực như trên là biện pháp tổng hợp, mang lại lợi ích xã hội to lớn. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN “của dân, do dân và vì dân” hiện nay ở nước ta, tạo lập xã hội công bằng, bình đẳng là nhu cầu vừa bức thiết, vừa cơ bản, lâu dài. Việc mở đường cho hoạt động của các nhóm lợi ích chính đáng, tuân thủ luật pháp chứ không phải lợi dụng pháp luật, và kịp thời ngăn chặn những sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích tiêu cực đang hình thành là cơ sở để thực hiện một cách hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, một quốc nạn ở nước ta hiện nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Người hâm mộ

 
Chia sẻ