Trong tuần qua, các diễn đàn internet ở trong và ngoài nước có phổ biến bài viết “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh…” của Lê Hiếu Đằng (LHĐ), một đảng viên Cộng Sản có 45 năm tuổi Đảng. Nhân lúc nằm bệnh (tháng 8, 2013), tác giả dành thời gian “nhìn lại 45 năm chiến đấu trong hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN)" và "viết lại những suy ngẫm của mình nhằm “thanh toán”, “tính sổ” lại những việc đã làm, những chặng đường đời đã đi qua, những đúng sai mà mình đã trải".
Sau khi đọc bài viết của ông LHĐ, tôi xin có một số ý kiến mạn phép trao đổi với ông như chính là "nhận thức lại sự phản bội lý tưởng của ông"
1. Lê Hiếu Đằng – vì sao ông vào Đảng?
LHĐ công nhận chủ nghĩa Mác, Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản đã làm say mê nhiều trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam khi VN còn trong thời kỳ Pháp thuộc. Là một học sinh ban Triết, lại sống trong một đất nước bị thực dân Pháp đô hộ cả trăm năm, và chiến đấu, trưởng thành trong cuộc chiến "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", LHĐ cũng tin tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản là con đường duy nhất đúng đắn để cứu nước, cứu dân, để có thể xây dựng một xã hội tốt đẹp của dân tộc Việt…Thực tế, lịch sử đã chứng minh cho sự tin tưởng đó, những hi sinh mất mát của nhân dân Việt Nam, của những đảng viên ĐCS trong đó có chính ông LHĐ đã đem lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho cả dân tộc Việt Nam. Vậy tại sao với những năm vào sống ra chết, chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, gần cuối cuộc đời ông lại "nhổ toẹt" vào chính cuộc đời ông như vậy, ông "trở cờ" tát vào mặt chính ông và cả gia đình, dòng họ ông nữa.
Có phải vì những điều ông nói "Trước đây chúng ta chưa có đủ điều kiện, dữ liệu để nhận thức một số vấn đề sống còn của đất nước nhưng hiện nay tình hình trong nước và trên thế giới đã thay đổi, vì vậy chúng ta phải nhận thức lại." hay là có nguyên nhân nào khác? Đây chẳng qua chỉ là sự ngụy biện mà thôi, không có cái thực tiễn nào chứng minh cho "sự nhận thức lại" mà chẳng qua là sự phản bội của ông LHĐ.
2. Về vấn đề ông LHĐ đòi đa nguyên, đa đảng
LHĐ trong bài viết của mình cho rằng: "Một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Đó là quy luật tất yếu: không thể không đa nguyên đa đảng được. Như vậy điều 4 Hiến pháp hiện nay là đi ngược lại với sự vận động của thực tiễn, cản trở sự phát triển của đất nước. Nếu Đảng cộng sản chấp nhận đa đảng thì sẽ tạo ra cho mình có sức kháng thể, tạo cơ may thoát được tình trạng quan liêu, tham nhũng làm ruỗng nát như hiện nay". Tôi cho rằng, đây là thiên kiến của ông, khi ông cố tình đồng nhất chỉ có đa đảng mới phù hợp với kinh tế thị trường nhiều thành phần, chỉ có đa đảng mới chống được quan liêu, tham nhũng.
Tôi xin phép nhận thức lại cho ông thế này nhé:
Thứ nhất, đa đảng đối lập không đảm bảo được dân chủ đích thực, dân chủ của đại đa số quần chúng nhân nhân và ngược lại chế độ một đảng lãnh đạo không có nghĩa là chế độ không dân chủ, chế độ độc tài.
Bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Muốn thực hiện được nó thì trước tiên quần chúng nhân dân phải xây dựng cho mình một chính đảng chính trị cùng một chính phủ duy nhất đại diện cho quyền lực của mình. Trong xã hội còn giai cấp và đấu tranh giai cấp mà nói đến thực hiện quyền dân chủ như nhau cho các giai cấp thì chỉ là một ảo tưởng, và hết sức hồ đồ. Thực chất của mỗi nền dân chủ đều là chuyên chính của một giai cấp: chuyên chính chủ nô, chuyên chính tư sản hoặc chuyên chính vô sản. Dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà phụ thuộc vào lý tưởng và bản chất của đảng chính trị cầm quyền. Vì vậy, bản chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trong xã hội tư bản chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là bảo đảm nền chuyên chính của giai cấp tư sản, tức bảo đảm quyền lực cho giai cấp tư sản. Cái "dân chủ" mà chủ nghĩa đa nguyên chính trị tư sản chủ trương chẳng qua chỉ là sự mị dân, dân chủ về mặt hình thức, dân chủ cho thiểu số giai cấp tư sản. Mặt khác, thực tế không thể tồn tại thứ dân chủ không giới hạn như chủ nghĩa đa nguyên chủ trương, bởi nếu nó được tồn tại trong thực tế thì nó sẽ dẫn đến một xã hội không có kỷ cương, con người sẽ sống trong trạng thái mất ổn định và vô tổ chức. Bệnh dịch vô chính phủ lan tràn làm xã hội lộn xộn chứ nói gì đến ổn định, phát triển, nói gì đến ưu việt hay không ưu việt. Xin khẳng định với ông LHĐ rằng dân chủ hay không dân chủ không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc có áp dụng hay không áp dụng chế độ đa đảng đối lập. Thậm chí, thể chế đa đảng ở các nước TBCN đã và đang khuyến khích các lực lượng đối lập vì lợi ích nhóm chỉ biết phản đối tất cả những gì của đảng cầm quyền, bất chấp phải – trái, đúng – sai. Hệ quả là làm xuất hiện một nền chính trị vì quyền lực, vì lợi ích thiểu số, mà không quan tâm đến những quyền lợi chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân.
Hai là, xin thưa với ông LHĐ rằng chế độ một đảng lãnh đạo không có nghĩa là chế độ không dân chủ, chế độ độc tài, là chế độ chỉ có quan liêu, tham nhũng. Thực tế chỉ ra rằng, chế độ độc tài, quan liêu, tham nhũng không phải là căn bệnh riêng có của chế độ độc đảng, của chủ nghĩa xã hội. Việc chống chủ nghĩa quan liêu, độc tài liên quan đến hoạt động của toàn bộ xã hội. Nó là vấn đề lớn mà các nước trên thế giới, cả các nước tư sản đa đảng và những nước chủ nghĩa xã hội độc đảng. Giữa nó và chế độ một đảng lãnh đạo ở các nước XHCN không có mối quan hệ bản chất nào. Chế độ đa đảng không phải là giải pháp duy nhất đúng để ngăn chặn sự độc tài, sự quan liêu và tham nhũng của bộ máy nhà nước. Thậm chí, trong các quốc gia đa đảng, các đảng thường tranh giành quần chúng, chia rẽ quần chúng, kích thích sự thèm khát quyền lực của quần chúng, tạo điều kiện để tham nhũng phát triển, trở thành căn bện trầm kha của các quốc gia này.
Ba là, xin ông hãy mở mắt, mở tâm trí để nhìn cho thật rõ, sự thật rằng Đảng Cộng sản Việt Nam – chính đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội là do lịch sử và yêu cầu của thời đại quy định. Lịch sử đấu tranh của dân tộc ta trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc đã đưa đến đòi hỏi khách quan cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước. Và từ khi bước lên vũ đài chính trị, hơn 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gánh vác trách nhiệm lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và rằng những thắng lợi đó có cả phần công sức của ông LHĐ đấy. Vậy sao ông lại có thể phủ địch sạch trơn như vậy, lại phản bội và nó những điều phi lý như vậy khi đòi xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Về vấn đề quan hệ với Trung Quốc
Ông, chính ông tuyên bố hùng hồn rằng "Riêng các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thì dường như chưa thấy hết sức mạnh của dân tộc Việt Nam nên quá “hiền lành” đối với một nước lớn nhưng rất “tiểu nhân” (chữ nghĩa của các truyện Tàu), miệng thì xoen xoét nói về “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” trong lúc hành động thực tế là uy hiếp, săn đuổi, bắt bớ một cách vô nhân đạo các ngư dân Việt Nam đang hành nghề trong ngư trường truyền thống của mình, hoặc hèn hạ cắt đứt cáp các tàu thăm dò dầu khí của chúng ta.
Thế mà phản ứng của lãnh đạo Việt Nam thì quá nhu nhược: chỉ là lời phản đối lặp đi lặp lại nghe quá nhàm tai và khó chịu của người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao". Nhưng thưa với ông rằng: “nhiều khi chiến tranh xảy ra không chỉ do kẻ gây hấn mà còn vì phía bị gây hấn không khéo hóa giải, trái lại còn rơi vào cái bẫy khiêu chiến, tích cực “hợp tác” cho chiến tranh xảy ra!”. Xin ông hãy nhìn lại lịch sử để thấy rằng nếu Nhà nước Việt Nam không khéo léo ứng xử với ông bạn láng giềng Trung Quốc thì hậu quả cho dân tộc Việt Nam sẽ như thế nào??? Nhìn lại cuộc chiến Biên giới 1979, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chính là chúng ta đã không khéo léo hóa giải những căng thẳng. Chúng ta đã thẳng thừng từ chối vào liên minh chống Liên Xô của Trung Quốc, ngược lại ngày 3/11/1978, ta lại ký với Liên Xô Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, mà điều 6 là nhằm vào Trung Quốc khi viết: “Việt Nam và Liên Xô sẽ “tham vấn nhau ngay lập tức” nếu một trong hai nước “bị tấn công hoặc đe dọa tấn công … nhằm loại bỏ mối đe dọa đó”. Đại hội lần IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã xác định Trung Quốc là “kẻ thù nguy hiểm và gần cận nhất”. Trước tình trạng đó, Trung Quốc đã lấy cớ tiến hành cuộc chiến chống Việt Nam. Đặng Tiểu Bình tuyên bố: "Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học". 5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân Trung Quốc tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, với chiến thuật dùng biển lửa và biển người. Mặc dù dân tộc Việt Nam đã chiến thắng nhưng Trung Quốc đã cho bên ta chết và bị thương là 50.000 người; một tài liệu khác cho khoảng 25.000; theo tạp chí Time thì “có khoảng dưới 10.000 lính Việt Nam thiệt mạng”. Cuộc chiến cũng đã gây ra những thiệt hại nặng nề: các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị hủy diệt hoàn toàn. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống. Nó còn mở ra tiếp theo hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ và xung đột vũ trang dọc biên giới giữa hai quốc gia, buộc ta phải thường xuyên duy trì một lực lượng quân sự khổng lồ dọc biên giới, gây hậu quả xấu đến nền kinh tế. Ngoài ra, nhiều cột mốc biên giới cũng bị quân Trung Quốc phá hủy. Nhắc lại điều này để mong ông hiểu cho rằng chiến tranh là điều tối kỵ. Vậy sao ông lại hàm hồ tuyên bố lãnh đạo Nhà nước Việt Nam nhu nhược, phải chăng ông muốn kích động chiến tranh hả ông LHĐ, xin thưa với ông rằng, cái nhu nhược mà ông nói thực ra đấy là cái dũng của bậc thánh nhân vậy.
Trên đây là đôi điều suy nghĩ của kẻ hậu bối đối với ông, cầu chúc cho ông mau bình phục sức khỏe, để tỉnh táo nhìn nhận mọi vấn đề, xin đừng lú lẫn nữa, đừng tự biến mình thành con cờ trên bàn cờ chính trị cho những thế lực ngoại bang, những kẻ phản bội dân tộc, phản bội nhân dân lợi dụng.
Và cũng mong tất cả mọi người con của đất mẹ Việt Nam anh hùng hãy luôn tỉnh táo, nhìn nhận khách quan trước tình trạng "Chúng ta sinh ra vào thời loạn chữ, lớn lên gặp cảnh trắng đen lẫn lộn, thiện ác bất minh, lũ rắn rết rân trủ ngang dọc trên mạng, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục chế độ, lấy con mắt nhìn qua lỗ đồng xu mà bôi đen, lộn ngược lịch sử!".
Hà Nội, ngày 18/8/2013
Tâm Ngôn - Trích Tiếng nói trẻ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét