19 thg 8, 2013

Lễ Vu Lan: Ai còn cha mẹ... xin đừng thờ ơ!


Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!

        Những ngày tháng Bẩy âm lịch lại về, mang theo chút mưa nắng thất thường đan xen vào dòng đời tấp nập. Cũng chính lúc này, nhà nhà đều thành kính bước vào mùa Vu Lan - mùa báo hiếu…
Bản chất cuộc đời như con thuyền ngoài biển khơi, có lúc sóng yên gió lặng, thuyền đi êm ả và đích đến dễ dàng đạt được. Nhưng phần lớn trên hành trình ấy, con truyền thường phải đương đầu với muôn vàn sóng gió để cập bờ. 

          Đó là những lúc buồn - vui – sướng - khổ, là những giây phút tươi nở nụ cười hay rưng rưng nước mắt. Trong khoảnh khắc đó, con người ta thường có thiên hướng nghĩ tới xuất phát điểm của cuộc đời mình mà tung hô hay than vãn. 

        Và cho dù là sung sướng hay kêu than, thì ngàn đời nay muôn người vẫn thường than với Trời, sau đó là than với Cha mẹ. Ừ thì than Trời, nhưng dẫu có than Trời thì vẫn cao quá, xa quá, đâu thấu lòng ta! 

       Vậy còn lại chỉ có Cha mẹ là nơi trút bỏ mọi ưu tư, sầu khổ của kiếp người. Bởi Mẹ cha là nguồn cội, là cái nôi sinh thành và cho ta được sống để có thể biết khổ đau hay hạnh phúc!


       Kiếm đâu ra trên thế gian này một điểm tựa vững chắc như Cha. Tìm đâu ra giữa biển người bao la một vòng tay ấm áp yêu thương như vòng tay Mẹ. Dù cho đi hết cuộc đời thì lòng cha mẹ vẫn không phút giây nào thôi trông mong, lo lắng cho những đứa con mà họ đã dứt ruột sinh thành.

        Công lao trời bể của Mẹ cha cho tới hết đời, không một người con nào có thể trả cạn. Chỉ có thể đền đáp ơn sâu ấy bằng việc sống sao cho nên người, cho lành thiện. Nhất là với người trẻ chúng ta khi nhớ về Mẹ-Cha, bậc sinh thành yêu quý mà trong nhịp thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại, ai đó đã có phút sao nhãng, lãng quên. 

       Mùa báo hiếu tháng 7 Âm lịch cũng là dịp để ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới những số phận xung quanh mình. 

        Ai đã mất đi Cha mẹ thì trọn đời không được quên lãng công lao dưỡng dục của đấng sinh thành. Ai còn cha mẹ thì càng phải sống sao cho có đạo hiếu, chớ thờ ơ, tàn nhẫn mà bất kính, bất hiếu với Mẹ cha để phải ôm trong lòng nỗi xót xa, ân hận.


       Ta hành động hiếu hạnh không phải để mong cho bản thân ta có thêm điều lợi hay tiếng thơm, mà đơn giản là để thấy lòng nhẹ bẫng, vui vẻ và thanh thản, hành động để thấu được triết lí giản đơn mà sâu xa của Phật dạy, ấy là phải biết “Từ, bi, hỷ, xả” hay “vô ngã", "vị tha”, cũng là tiếp bước dòng chủ lưu của đạo lý dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

      Bạn có thể chọn một bông hoa cài lên ngực áo hoặc không trong ngày lễ Vu Lan, nhưng nghĩ về ngày này với ý nghĩa nhân bản, âu cũng là cách để bạn tri ân cuộc sống tươi đẹp này. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. 

       Việc nhớ về bâc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ-Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.


     Người có hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ-Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm. 

      Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!

7 nhận xét:

Đây mà mùa lễ Vu Lan, mùa để chúng ta đến đáp công ơn cha mẹ. Những người đã sinh thành ra chúng ta và dường như nhắc nhở mỗi chúng ta rằng hãy biết đối xử thật tốt với cha mẹ mình. Đó là cái đức của mỗi con người cũng như là những chuẩn mực đạo lý của dân tộc ta. Nhân dân ta có truyền thống thờ cha kính mẹ nên đây là ngày vô cùng quan trọng. Thường thì vào ngày này ai cũng đều có những hành động đặc biệt để thể hiện sự biết ơn của mỗi người tới bậc sinh thành của mình.

Trừ một số kẻ khó hiểu hay còn được cho là tâm thần chứ đối với người Việt Nam đối với Cha Mẹ những người con luôn có một lòng kính trọng và biết ơn, đối với nước ngoài chúng ta thường thấy khi con trưởng thành thì sẽ ít gặp lại bố mẹ mà thoát li đi ra ngoài xã hội nhưng đối với người Việt nam thì rất ít xảy ra, những ngồi nhà với 3 thế hệ là điều phổ biến ở Việt nam và phong tục chăm lo bố mẹ khi về già là bổn phận của các người con, thực sự thì chả cần tháng 7 vu lan đâu vì tình cảm luôn tồn tại trong 365 ngày mà !

Lễ Vu Lan hình như là lấy từ bên Trung Quốc thì phải, nhưng mà thực sự đó chỉ là hình thức bởi với con người Việt Nam thì con cái đối với cha mẹ luôn biết ơn kính trọng , hơn hết truyền thống người Việt Nam là chung sống 3 thế hệ, sự phụng dưỡng đối với cha mẹ là luôn có, tuy nhiên cuộc sống đô thị giờ tất bật việc chăm lo tình cảm lẫn vật chất cho cha mẹ đối với các con là xa xỉ , bởi thế tháng 7, lễ vu lan là lúc thích hợp nhất để mọi người con sống chậm là và yêu thương cha mẹ nhiều hơn, hãy đừng thờ ơ với công ơn sính thành và nuôi dưỡng mình !

Đọc những dòng này mà ứa nước mắt các bạn ah. Khi đang còn có cha mẹ thì hãy biết yêu thương vun đắp cho tình máu mủ này, đừng vì cuộc sống mà đôi khi quên mất những lời nói ngọt ngào dành cho bố mẹ. Nước mắt con có rơi xuống trăm lần cũng không bù được lòng mẹ yêu con. "Thế gian không ai khổ bằng mẹ, ... cuọc đời không ai vất vả bằng cha".

Cho dù nguồn gốc phát tích từ đâu, nhưng mùa lễ Vu Lan, mang đậm văn hoá Phương Đông đã đi sâu vào tâm thức người Việt bao đời nay như một nét truyền thống đẹp về chữ Hiếu

Đi khắp thế gian không ai khổ bằng mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai vất vả bằng cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lọng không phủ kín công cha.

Tuyệt lắm!
Ta hành động hiếu hạnh không phải để mong cho bản thân ta có thêm điều lợi hay tiếng thơm, mà đơn giản là để thấy lòng nhẹ bẫng, vui vẻ và thanh thản, hành động để thấu được triết lí giản đơn mà sâu xa của Phật dạy, ấy là phải biết “Từ, bi, hỷ, xả” hay “vô ngã", "vị tha”, cũng là tiếp bước dòng chủ lưu của đạo lý dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Đăng nhận xét

Người hâm mộ

 
Chia sẻ