Trong buổi traning nội bộ cho các nhân viên CSKH, GDV, COD của công ty, tôi có đặt câu hỏi này. Và các bạn thảo luận khá sôi nổi. Sở dĩ người Hà Nội không quen bo cho nhân viên phục vụ bởi lẽ họ cảm thấy mình chưa được phục vụ thực sự. Nhân viên nhìn mặt khách hàng mà bắt hình dong, khách ăn mặc lịch sự sang trọng thì xum xoe niềm nở, khách mặc tuềnh toàng thì thơ ơ chẳng thấy ai đến phục vụ, mặc dù họ cũng trả tiền như nhau. Và mặc nhiên, chẳng thấy nhân viên cảm ơn khách hàng bao giờ, mặt thì cau có do bị gọi nhiều hay do chạy đi chạy lại mệt mỏi. Các nhân viên này họ không coi đó là một nghề mà chỉ là công việc tạm thời mà thôi.
Nhiều lần vào Sài Gòn uống cafe, tôi rất thích cách mà các nhân viên ở đó họ đối xử với khách hàng. Chẳng cần biết anh mặc xấu hay đẹp, anh giàu hay nghèo, nhưng đã bước chân vào quán, anh là khách hàng và được phục vụ chu đáo. Chưa một lần nào tôi phải gọi nước lọc, mà các nhân viên ở đây cứ thấy khách uống hết lại ra rót, và khách thích ngồi bao lâu tùy ý. Thanh toán tiền xong bao giờ cũng là câu cảm ơn với khách hàng.
Người Trung Quốc có câu: "Nếu anh không biết cười thì đừng bao giờ bán hàng" thật đúng quá. Ấy vậy nên BigC họ đề ra Quy tắc 3C yêu cầu các GDV phải tuân theo gồm: Chào, Cười, Cảm ơn cũng là để tỏ ra thân thiện và tôn trọng khách hàng vậy.
Mà cũng thật lạ, chẳng có nơi nào như Hà Nội, khi "bún mắng, cháo chửi" vẫn còn tồn tại thậm chí lên ngôi, khi mà khách hàng vẫn cắm cúi vừa ăn vừa nghe chửi được thì chắc sẽ còn rất lâu nữa, văn hóa phục vụ chuyên nghiệp mới được coi trọng. Và khi đó vẫn sẽ chẳng có vị khách hàng nào lại bo cho cách phục vụ như vậy cả.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét