25 thg 2, 2013

Tình yêu trong những bộ phim kinh điển






Tình yêu có thể đến qua gian nan, thử thách. Tình yêu có thể đến giữa đời thường giản dị. Tình yêu có thể đến trong niềm vui bất ngờ. Tình yêu có thể đến giữa đau thương, bi kịch… Tất cả những điều ấy đều đã được các nhà làm phim khai thác tinh tế.

Tình yêu là đề tài vĩnh cửu của nghệ thuật. Tình yêu chảy tràn trong mỹ thuật, tình yêu chan chứa trong âm nhạc, tình yêu “mài mòn” sân khấu, tình yêu sống động trên những thước phim… Những ai yêu thích nghệ thuật thứ 7 có thể ngay lập tức kể tên hàng trăm tên phim nổi tiếng về tình yêu lứa đôi. Đề tài muôn thuở ấy của nhân loại qua hằng trăm năm dẫu được khai thác đi, khai thác lại vẫn có thể khiến con người ta khóc, cười, buồn đau, ám ảnh.

Người viết xin được kể tên 5 bộ phim với 5 tâm trạng, 5 số phận khác nhau của tình yêu. 5 bộ phim không phải là đại diện của điện ảnh, nhưng có thể đại diện cho những tình yêu “muôn hình vạn trạng”. Tình yêu muôn đời vẫn thế, ta không ra lệnh được, không ép buộc được, không phải muốn quên là quên được, muốn thay thế là thay thế được… Dù muốn hay không, tình yêu sẽ vẫn tìm đến cuộc đời bạn vào một ngày nào đó với số phận rất riêng. Không thể cưỡng lại. Dù khổ đau hay hạnh phúc.

5 bộ phim dưới đây là 5 số phận như thế.
1. Titanic




Titanic là bản tình ca bi thương của một tình yêu tráng lệ. Tình yêu giữa Jack và Rose không chỉ vượt qua tất cả mọi sự chênh lệch về giàu- nghèo, sang-hèn còn vượt lên trên ranh giới của sự sống- cái chết để trở thành vĩnh cửu. Đặt anh họa sỹ nghèo (Jack) giữa con tàu sang trọng của giới thượng lưu, đặt tình yêu giản dị của Jack và Rose giữa những mưu đồ, toan tính của những người giàu, đặt sự hy sinh cao thượng của Jack bên cạnh sự hèn nhát của Caledon, các nhà làm phim đã tạo ra những “bối cảnh” tương phản để từ đó đặc tả vẻ đẹp cao cả của tình yêu đích thực. Jack đã hy sinh cả mạng sống để cứu người mình yêu. Tình yêu và sự hy sinh khi vượt lên trên cả ranh giới của sự sống- cái chết sẽ trở thành bất tử.

Bộ phim Titanic (đạo diễn James Cameron) sản xuất năm 1997 với mức kinh phí 200 triệu USD đã đoạt 11 giải Oscar và trở thành một hiện tượng điện ảnh vào thời điểm đó.

2. The Reader (Người đọc sách)

The Reader (tạm dịch là Người đọc sách) là câu chuyện cảm động khác về tình yêu, một tình yêu không phân biệt tuổi tác. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của một giáo sư Luật người Đức.

Bộ phim được bắt đầu với những hồi tưởng của Michael Berg. Khi còn là một học sinh, trong một lần từ trường trở về nhà, Michael bị ngã bệnh và được một phụ nữ giúp đỡ. Người phụ nữ ấy gấp đôi tuổi cậu, tên là Hana. Cuộc gặp gỡ tình cờ không ngờ lại là khởi nguồn của một mối tình kỳ lạ, mối tình đã khiến Michael ám ảnh, dày vò, đau đớn trong suốt phần đời còn lại.
Người phụ nữ gấp đôi tuổi Michael có sở thích được nghe đọc sách. Mỗi ngày, Michael đều đến nhà Hana đọc cho chị nghe những cuốn sách hay, và tình yêu đã đến với tất cả nỗi đam mê, cuồng nhiệt. Cho đến một ngày Hana biến mất. Michael gặp lại Hana trong một phiên tòa, khi ấy, cậu là sinh viên Luật thực tập, và Hana là tội phạm chiến tranh. Chị từng tham gia quân đội Đức quốc xã…




Hana bị kết án tù chung thân. Chỉ một mình Michael biết Hana không phạm tội. Nhưng tuổi trẻ, sự non nớt, sự tuyệt vọng đã khiến Michael im lặng. Trong suốt những tháng năm Hana ngồi tù, Michael đã sống trong những dày vò, anh vừa giận, vừa thất vọng, vừa thương vừa hối hận, vừa đau đớn, vừa bất lực… Anh đọc sách và ghi âm lại, gửi vào tù cho Hana nghe. Những cuốn băng ghi âm của người tình đã trở thành động lực để Hana tiếp tục những ngày sống. Nhưng ngày ra tù lại phũ phàng hơn chị tưởng…

Tình yêu là tổ hợp phức tạp của những tâm trạng trái ngược đan xen. Michael đã chờ đợi, đã mong ngóng ngày Hana ra tù, những khi gặp lại người tình nay đã là một bà già tóc bạc trắng, Michael lại thấy trong mình những cay đắng, khinh miệt.

The Reader là câu chuyện tình yêu giữa một phụ nữ trung niên và một chàng trai trẻ tuổi, là tình yêu giữa những nỗi đau dày vò và những niềm vui dằn vặt. Xem The Reader sẽ thấy đi đến tận cùng những nỗi buồn đau của hạnh phúc.

Với vai diễn Hana, Kate Winslet đã đoạt giải Oscar ở hạng mục dành cho nữ diễn viên chính xuất sắc.
3. Notting Hill




Tình yêu không phân biệt địa vị, không phân biệt nghề nghiệp, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt quốc gia… là câu chuyện của Notting Hill. Một anh chàng bán sách tại Anh đã có một mối tình lãng mạn đến mức không tưởng với một ngôi sao điện ảnh của Mỹ.

William Thacker là chủ một hiệu sách tư ở Notting Hill chuyên về sách du lịch. Anh vẫn đang tự dằn vặt mình về chuyện vợ anh đã bỏ anh và ra đi với một người đàn ông trông giống hệt Harrison Ford (!). Trong một lần tình cờ, Thacker gặp minh tinh màn bạc của Hollywodd Anna Scott trên phố. Vẻ đẹp của Anna, sự dịu dàng giản dị của Thacker đã khiến họ bị hấp dẫn lẫn nhau và cả hai bị cuốn vào một mối tình đầy rắc rối.

Những scandal, những xoi mói của truyền thông, những sự săn đón của các tay paparazi… đã khiến cuộc sống của anh chàng bán sách bị đảo lộn. Nhưng vượt lên trên tất cả, Anna và Thacker đã có một mối tình lãng mạn, đẹp như cổ tích. Câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, pha chút hài hước hòa lẫn trong giai điệu ngọt ngào của ca khúc When you say nothing at all đã khiến Notting Hill trở nên khó quên với tất cả những ai đã xem bộ phim này.
4. Gone with the wind (Cuốn theo chiều gió)




Chính câu chuyện tình yêu của Scarlett và Rhett Butler đã làm cho Cuốn theo chiều gió trở thành kinh điển. Tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer (năm 1937) của tác giả Margaret Mitchell khi dựng thành phim đã trở thành bộ phim đoạt giải Oscar kỷ lục trong lịch sử phát triển của viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ vào thời điểm ấy.

Đã có những thế hệ lớn lên với cuốn sách gối đầu giường là Cuốn theo chiều gió. Câu chuyện tình yêu được đặt trong bối cảnh lịch sử với những biến thiên thăng trầm. Scarlett- một cô gái thông minh, mộng mơ, luôn nghĩ rằng cả đời chỉ yêu một mình Asley Wikes. Việc thần tượng hóa Asley đã khiến Scarlett nhầm lẫn, hoang tưởng trong mối quan hệ với Rhett Butler.

Họ thường xuyên cãi cọ nhau. Cuộc hôn nhân biến thành địa ngục khi cả hai đều hiếu thắng. Đến khi Scarlett nhận ra tình yêu đích thực, nhận ra người đàn ông mà nàng tìm kiếm bấy lâu chính là Rhett Butler, tất cả đã trở nên quá muộn màng. “Những gì đã vỡ là đã vỡ. Chúng ta thà nhớ lại khi nó tốt đẹp còn hơn là chắp vá lấy được để rồi suốt đời phải thấy những chỗ vỡ”.

Con người ta vẫn đi tìm kiếm tình yêu ở những nơi xa xôi mộng tưởng, để không kịp nhận ra rằng, tình yêu ở ngay bên cạnh mình.

5. The Bridges of Madison County (Những cây cầu ở quận Madison)
Ít có bộ phim nào khi được chuyển thể lại thành công hơn, nổi tiếng hơn cuốn tiểu thuyết như Những cây cầu ở quận Madison. Việc đào sâu, tìm tòi đến tận gốc rễ những thay đổi trong cảm xúc, trong suy nghĩ của nhân vật đã khiến bộ phim Những cây cầu ở quận Madison nổi tiếng là một câu chuyện tinh tế về tình yêu. Một tình yêu đến sau hôn nhân.




Francesca sống ở Madison cùng chồng và 2 con. Cuộc sống của Francescar mòn mỏi trong chức phận làm vợ, làm mẹ. Người chồng vô tâm. Hai đứa con ích kỷ. Để làm nổi bật cuộc sống bị sự tẻ nhạt bào mòn của Francesca, đạo diễn đã chú ý đến từng chi tiết nhỏ, việc đặt Francesca trong căn bếp nhỏ quanh quẩn với công việc bếp núc, rửa bát, việc người chồng mỗi lần ra khỏi nhà lại đóng sầm cửa thật mạnh mà không quan tâm đến việc làm vợ giật mình… được lặp đi lặp lại. Sống mệt mỏi, nhạt nhòa, quẩn quanh khiến Francesca quên mất mình là ai. Những sở thích, những niềm vui riêng tư của chị bị chức phận và sự vô tâm xóa bỏ. Francesca trôi đi trong nghĩa vụ, trách nhiệm và sống héo hon trong chính căn bếp và giữa những người thân của mình.

Chỉ đến khi Robert Kincaid xuất hiện. Anh khiến cuộc sống của chị hoàn toàn bị đảo lộn. Từ cách anh đi ra khỏi cửa nhà nhẹ nhàng, từ cách anh quan tâm đến từng cảm xúc nhỏ của chị, từ cách anh hỏi han về những giấc mơ, từ cách anh chia sẻ những điều giản dị… Robert đã đánh thức những ước mơ, những điều sâu kín, những bản năng phụ nữ, những đam mê tình yêu tưởng như đã bị bào mòn trong con người Francesca.

Tình yêu bùng cháy mãnh liệt, nhưng cả Robert và Francesca đều ý thức được rằng, tình yêu của họ đã đến quá muộn. Câu chuyện tình bi kịch nhưng vẫn đầy chất thơ. Tình yêu muộn mằn bị chức phận chia rẽ, đoạn tuyệt. Những ai đã xem Những cây cầu ở quận Madison (cho dù có gặp mình trong ấy hay không) cũng sẽ phải ám ảnh, sẽ phải day dứt, sẽ phải đau buồn…

1 nhận xét:

tình yêu thật đẹp, và nó sẽ đẹp khi đó là tình yêu trong sáng, quan tâm và chia sẽ!

Đăng nhận xét

Người hâm mộ

 
Chia sẻ