Nếu Sài Gòn có những con hẻm được coi như là “đặc sản” của đô thị, thì Hà Nội lại có những con ngõ nhỏ luồn sâu trong lòng phố. "Mỗi ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự” – nhà văn Bằng Việt từng viết như thế về Ngõ Hà Nội trong những ngày khói lửa chiến tranh.
“Lý lịch” ngõ
Người ta đã tính toán được rằng, số ngõ ở Hà Nội nhiều gấp ba bốn lần số phố. Còn Nhà văn Băng Sơn cũng từng làm một khảo cứu cá nhân, và theo thống kê của ông thì Hà Nội có khoảng trên 500 con phố, còn ngõ thì có chừng hơn 100. Mỗi con ngõ lại có một cuộc đời, một số phận ..và một hình dáng riêng. Chúng ta có thể thấy một ngõ cụt Đoàn Nhữ Hải len mình giữa những nếp nhà thấp vương vất rêu phong, đó là nơi sinh sống của những công chức Hà Thành xưa. Ngõ Phất Lộc lại được mệnh danh là con ngõ có lối đi rồng rắn nhất trong 36 phố, đây cũng là con ngõ được họa sĩ tài hoa Bùi Xuân Phái nhiều lần đưa vào tranh. Ngõ Tạm Thương một đầu đổ ra Hàng Bông, đầu kia ăn vào Yên Thái, ở hai đầu là Hàng Da, Hàng Mành mang dấu ấn của một con ngõ “từ làng lên phố” khi vẫn còn lưu giữ những đặc trưng của chốn thôn quê ngày xưa như bến nước, sân đình.
Mỗi phố nhỏ như giấu một lời tâm sự
Nhà nhà thơ Chế Lan Viên một lần chạm ngõ Tạm Thương đã cảm tác mà viết rằng: “…Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/ Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/ Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/ Thương một đời đâu phải tạm thương…”. Đi dọc dài một quãng nữa sẽ gặp ngay ngõ Tràng An, tên ngõ gợi nhắc người ta nhớ đến câu ca dao “dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An”, ngõ Tràng An mang nhiều dấu ấn tiểu tư sản điển hình khi một đầu là phố Triệu Việt Vương với những cửa hàng vàng bạc, còn đầu kia là Phố Huế nhộn nhịp với những cửa hàng buôn bán xe máy.
Nhắc đến ngõ Hà Thành, không thể không điểm tên một con ngõ có tên khá lạ, ngõ Cấm Chỉ. Ngõ chỉ dài khoảng một trăm mét nhưng lại là điểm đến của những người đam mê ẩm thực. Bước chân vào ngõ là bước vào thế giới của những hàng quán san sát nhau hội đủ đặc sản của ba miền Bắc – Trung – Nam, điều đặc biệt nữa là phố Cấm Chỉ dường như không giới hạn thời gian. Có cảm giác đến đây bất cứ giờ nào trong ngày cũng bị bập ngay vào cái không gian ồn ã, xôm tự của phường phố.
Không gian sinh hoạt cộng đồng
Mỗi con ngõ mang một dáng dấp riêng, nhưng tựu trung lại ngõ ở Hà Nội đều rất nhỏ, có những con ngõ chỉ đủ cho một người len vào như ngõ 16 phố ngõ Gạch, bà Nguyễn Thị Phương, sinh ra và lớn lên ở đây còn tếu táo ngõ này thường được gọi là “ngõ một chiều”, vì nếu khi nào có người vào người ra, nếu một trong hai không chịu nhường thì chỉ có đập đầu vào nhau. Ở những con ngõ rộng rãi hơn một chút lại trở thành địa bàn lý tưởng cho đủ hàng quán.
Ngõ là nơi nương náu mưu sinh của bao nhiêu người lam lũ
Chẳng nói gì đến những hàng ăn như quán phở, quán cơm…chỉ tính những quán trà nước cũng đã thấy nhiều vô kể, có những con ngõ quán này kề quán kia. Không cần lều cột võng mái gì, đôi khi chỉ là một ấm trà con, mấy cái chén sứt quai cũ kỹ, mấy thanh kẹo lạc…thêm mấy chiếc ghế nhựa liêu xiêu nữa thế là đã trở thành một quán trà chén đúng kiểu Hà Thành. Chủ nhân của những hàng trà chén ấy thường là những cụ ông, cụ bà rỗi việc kiếm thêm, vì mưu sinh cũng có, nhưng đôi khi chỉ là một cách người ta tìm kiếm một chỗ để hàn huyên tâm sự.
Chủ quán đã thế, khách cũng chẳng khác gì, rất dễ gặp trong những quán trà đã nằm tít sâu trong ngõ nhỏ, tối tăm và có phần nhếch nhác ấy có cả những vị khách quần áo bảnh bao, tươm tất. Anh Dương Long, cán bộ của một sở của Hà Nội gần chục năm nay vẫn trung thành với thói quan chào buổi sáng bằng một cốc trà nóng trong con ngõ ở gần cơ quan mình.
Một hình ảnh dễ gặp trong những con ngõ sâu típ tắp nữa đó là cảnh những cô, những bà, những chị túm tụm nhau trò chuyện. Thường mỗi người trước khi ra khỏi nhà lại đem thêm một chiếc ghế, gặp nhau ở đâu, họ đặt ghế xuống rồi thoải mái hàn huyên. Thôi thì đủ chuyện trên trời dưới bể, từ chuyện nhà kia vợ sinh đến lần thứ 5 vẫn là vịt giời cho đến ông nọ già thế rồi mà vẫn còn mê bồ trẻ… Ngày thường là thế, nhưng mỗi khi trong khu phố nhà ai có chuyện buồn, thì từ những buổi hàn huyên như thế, người ta dễ nghĩ ra nhiều cách để giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Những con ngõ ở khu phố cổ còn phải “kiêm nhiệm” thêm một nhiệm vụ nữa đó là “bếp tập thể” của nhiều hộ gia đình. Đến đây vào những giờ cao điểm, dễ bị ngộp thở trong một không gian đậm đặc của khói than. “Nhiều khi cũng bất tiện, nhưng nhà thì nhỏ không có nơi để nấu nướng nên đành phải bê ra ngoài ngõ nấu…” chị Hà Thị Tâm ở ngõ Phất Lộc kể.
Nhịp sống đô thị ngày càng cao, những con ngõ tự dưng cũng khoác lên mình chút ít màu sắc thương mại và dần đi vào “chuyên môn hóa”. Nếu trước kia Hà Nội có 36 phố phường, mỗi phố lại bày bán một mặt hàng riêng biệt thì bây giờ có thể dễ dàng bắt gặp những tên ngõ gắn với những nhu cầu khác nhau như ngõ cà phê, ngõ ăn sáng, ngõ Tây balô…
Ngõ phố, phận người
Có nhiều con ngõ ở Hà Nội có nguồn gốc từ những làng quê chiêm trũng nên thủa đầu làng lên phố, người ta vẫn giữ được những nét văn hóa rất riêng nặng nghĩa tình của làng quê. Ngõ Hà Nội cũng chính vì thế mà trở nên ấm cúng hơn, gần gũi hơn. Khi Hà Nội đã trở thành một đô thị nhộn nhịp, nơi đây lại đón nhận một luồng di cư lớn từ các vùng quê khác đổ về. Họ phần lớn là những người nông dân lam lũ, nghèo nàn tập trung nhau lại ở những con ngõ tối tăm, chật chội ở đâu đó trong những con phố sâu.
Nhiều con ngõ như thế đã cưu mang những phận người, chứng kiến cả nước mắt lẫn nụ cười của cuộc đời họ. Những người dân cư ngụ ở xung quanh con ngõ sâu của phố Tân Ấp, Phường Phúc Xá, Quận Ba Đình đến bây giờ vẫn còn nhớ một câu chuyện gắn liền với một đôi vợ chồng già sống ở căn nhà chật chội ở cuối ngõ.
Hay không gian sinh hoạt chung
Cả hai vợ chồng làm nghề buôn đồng nát, chính con ngõ ở khu phố Trần Nguyên Hãn nơi hai vợ chồng mưu sinh đã nối duyên họ với nhau. Nhưng sự đời trớ trêu, chẳng bao lâu sau đó người vợ bị tai nạn mà mù cả hai mắt. Thế là từ đó, người ta quen thấy một người đàn ông lầm lụi, còng rạp người mỗi sáng đẩy chiếc xe đi mua đồng nát, tối lại về nấu cơm chăm vợ.
Con ngõ nơi ông dừng chân thu mua đồng nát ấy dường như ai cũng biết hoàn cảnh và tấm chung tình của ông, thế nên cứ khi nào có giấy vụn hay đồ bỏ đi người ta lại đem xuống cho ông. Con ngõ với những người tình nghĩa ấy đã giúp ông sống và nuôi vợ qua những ngày cơ cực. Thế nhưng, vào một ngày giông gió ông mắc cảm rồi lặng lẽ qua đời. Không còn ai thân thích, người dân phường phố, những người quen biết ông rồi cả chính quyền và các tổ chức đoàn thể lại xúm vào lo cho ông một đám tang chu toàn, còn vợ ông được gửi vào một trại dưỡng lão.
Cũng sống nương nhờ vào ngõ phố, chị Nguyễn Thị Lê chỉ với một gánh bánh đúc trộn đã buôn bán vẫn ngày ngày nện gót trên những con ngõ ngoằn nghèo ở phố Hàng Bạc, địa bàn hoạt động của chị không cố định, sáng thấy dáng chị đổ bóng xuống trên những con ngõ ở Tạ Hiền thì ban chiều đã thấy chị đang bán hàng ở Đào Duy Từ, với chị ngõ không chỉ là nơi bán buôn, nó còn chất chứa bao nhiêu kỷ niệm gắn với cuộc đời. Chị tâm sự, niềm hạnh phúc nhất là thỉnh thoảng chị lại được phục vụ nhiều diễn viên, nhạc sĩ nổi tiếng ghé vào ăn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét