31 thg 1, 2013

Sửa đổi Hiến Pháp - Đến giáo sư cũng lên tiếng


Hiện nay trên các diễn đàn, báo mạng cư dân mạng đang rất sục sôi thảo luận sôi nổi về việc sửa đổi Hiến Pháp. Có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau thậm chí là trái chiều. Kẻ đồng ý người bảo không.. người đòi sửa chỗ này, sửa chỗ kia. Đến mức cả giáo sư Ngô Bảo Châu cũng tham gia lập hẳn một trang kêu gọi mọi người cùng sửa đổi Hiến Pháp. Đây là tuyên ngôn của họ trên trang hienphap.net
"Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt nam 1992 đã gây nên sự chú ý rộng rãi trong người dân. Trang Cùng viết Hiến pháp này ra đời nhằm tạo thêm một không gian đối thoại cho tất cả những người quan tâm đến việc sửa đổi Hiến pháp, để họ có thể cùng thảo luận về chủ đề này một cách nghiêm túc và dân chủ. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia. Hiến pháp phải chứa đựng những nguyên tắc làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị, tổ chức và vận hành của nhà nước, bảo vệ những quyền cơ bản của người dân. Một bản hiến pháp tốt là bước đầu tiên để đảm bảo cho các công dân cùng nhau xây dựng một cuộc sống hoà bình, tự do, một xã hội dân chủ và công bằng, cái mà xét cho cùng, chính là lý do cho sự tồn tại của mọi thiết chế xã hội. Tuy đều có hoặc đều dựa vào nền tảng triết học này, hiến pháp của các nước đã ra đời trong những bối cảnh lịch sử khác nhau, đã bị chi phối bởi những hệ thống quyền lợi, những sức mạnh chính trị khác nhau,  là rốt cuộc chúng đã có những dấu ấn khác nhau lên lịch sử phát triển của mỗi nước. Để hiểu Hiến pháp 1992 và tham gia tích cực vào việc sửa đổi nó, thiết nghĩ cần tham chiếu các bản Hiến pháp Việt nam đã từng có trước đó, cũng như những bản Hiến pháp đã có dấu ấn trong lịch sử thế giới. Cùng viết Hiến pháp sẽ đăng, hoặc đăng lại những bài viết phân tích về những nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt nam 1992, về bối cảnh ra đời, dấu ấn lịch sử của những hiến pháp quan trọng trên thế giới, và sẽ đặc biệt quan tâm đến những yếu tố làm nên sức sống và sức mạnh của một bản hiến pháp, như một hệ qui chiếu trong một thế giới luôn luôn vận động, chứ không chỉ đơn thuần như một công cụ cho công tác quản lý nhà nước.  Cùng viết Hiến pháp khuyến khích đối thoại giữa các tác giả, và với độc giả. Cùng viết Hiến pháp đề cao tinh thần tôn trọng trong đối thoại, tôn trọng người viết, tôn trọng người đọc, tôn trọng ngữ pháp tiếng Việt. Cùng viết Hiến pháp khuyến khích tranh luận thẳng thắn dựa trên lý lẽ và dẫn chứng, không lấy phẫn nộ làm phương pháp tranh luận, không nhận đăng những ý kiến có tính qui kết vô căn cứ, có tính thoá mạ, vu khống hoặc lạc đề. Cùng viết Hiến pháp chủ trương hạn chế nội dung trong phạm vi những vấn đề liên quan trực tiếp đến Hiến pháp và việc xây dựng một nhà nước pháp quyền. Các vụ việc cụ thể nếu được nêu sẽ khoanh định dưới dạng thức học thuật để nghiên cứu tính hợp lý và nhất quán của Hiến pháp và pháp luật. Cùng viết Hiến pháp không tham gia vào việc bình luận, phán xét đúng sai trong những vụ việc cụ thể.Cùng viết hiến pháp ra đời ngày 1/2/2013 để tạo ra một không gian đối thoại dân chủ về việc sửa đổi Hiến pháp, và sẽ được duy trì ít nhất đến ngày 31/03/2013 để phục vụ việc đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu tạo điều kiện cho những đối thoại thẳng thắn về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. 
Nhóm khởi xướng
Ngô Bảo Châu
Đàm Thanh Sơn
Nguyễn Anh Tuấn"
Về vấn đề này, hiển nhiên việc những giao sư tiến sỹ đầu ngành của đất nước cùng nhau đưa ra ý kiến thì tác động của nó sẽ rất lớn và hẳn nhiên sẽ chẳng ai nghi ngờ gì tính chân thực của nó. Đọc tuyên ngôn trên chúng ta cũng phần nào thấy được mong muốn công tâm và thảo luận một cách nghiêm túc công bằng của các vị giáo sư tiến sỹ. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ có thể. Làm sao đảm bảo được những ý kiến đưa ra là xác đáng là nghiêm túc và không mang màu sắc lợi ích chính trị?
Thứ hai nữa là giả sử có nhiều ý kiến đóng góp có ích nhưng làm sao đảm bảo được những ý kiến của vài nghìn con người (mà chưa chắc đã được và cũng không kiểm chứng được là người thật) lại có thể đại diện cho nhân dân cả nước nói lên ý kiến của mình?
Tham gia vào quá trình sửa đổi luật pháp là quyền của công dân, người dân hoàn toàn có quyền làm chủ nhưng thiết nghĩ, việc đưa ra bàn luận như thế này sẽ không đem lại hiệu quả mà còn có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động và tuyên truyền những luận điệu xấu gây ảnh hưởng không tốt trong quần chúng nhân dân. 
Đôi điều góp ý!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Người hâm mộ

 
Chia sẻ