Thực tế thời gian qua, đã có không ít người núp dưới vỏ bọc của các trang web cá nhân để tuyên truyền các luận điệu phản động, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền các giá trị tự do dân chủ theo kiểu phương Tây, thậm chí bôi nhọ các cá nhân khác…
Rõ ràng, trong sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nói chung và Internet nói riêng, người đọc một mặt được thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận thông tin nhưng họ cũng bị nhiễu bởi rất nhiều thông tin không được kiểm chứng.và cùng với tốc độ cũng chất lượng phát triển của công nghệ thông tin, báo mạng là mũi xung kích thời bùng nổ thông tin toàn cầu. Nó đang dần trở thành một sức mạnh áp đảo, đẩy báo in, báo nói, báo hình vào góc khó cạnh tranh. Thời đại này, không có báo nào truyền tin nhanh bằng thông tin mạng. Một sự kiện xảy ra tại bất kỳ nơi đâu, chỉ sau vài cú nhắp chuột là cả thê giới đều biết. Sự phát triển của báo mạng song hành với tốc lực phát triển nhanh, phổ cập và lan truyền chưa từng thấy của công nghệ thông tin. Chính vì thế, “khách hàng” của báo mạng ngày càng tăng nhanh với cấp số nhân. Đầu tư cho phát triển cũng như quản lý được báo mạng là tầm nhìn hiện đại.
Tuy nhiên, cũng chính thế mạnh liên kết và lan tỏa thông tin rộng lớn của những phương tiện truyền thông nói trên đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Thông tin trên mạng nhiều khi gây bất an, bất ổn cho tổ chức và cá nhân, gia đình và xã hội.
Phát ngôn của những blogger hay những cá nhân tham gia mạng xã hội được thả nổi một cách vô tội vạ khi bản thân họ vừa tạo dựng, vừa lan truyền thông tin. Tự do của người này lại xâm phạm tự do của người khác. Bên cạnh đó, yếu tố được ẩn danh dưới dạng các nickname khi gia nhập mạng xã hội hay mở các webblog cũng là cái bẫy chết người để các blogger thoải mái tung tin, đưa ra các bình luận thất thiệt mà không sợ bị "phạt đền". Vì thế, thời gian qua, có không ít những vụ bê bối gây xôn xao cộng đồng mạng mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đưa tin thiếu xác thực kiểu "gắp lửa bỏ tay người" trên các blog, mạng xã hội, xâm phạm trắng trợn đến danh dự, nhân phẩm hay cuộc sống của nhiều tổ chức, cá nhân. Vào các trang mạng, người ta vẫn dễ dàng tìm thấy những đường link liên kết dẫn đến những trang web sex, những trò chơi bạo lực... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi của một bộ phận công chúng.
Theo cơ quan chức năng, trên internet hiện nay đang tồn tại nhiều hơn 50 trang mạng loại này, mà máy chủ thường đặt ở nước ngoài. Riêng các trang mạng như Quan Làm Báo, Dân Làm Báo máy chủ được đặt ở nước ngoài, nhưng việc ghép nối, sắp đặt và đưa thông tin lên mạng được thực hiện ở ngay trong nước và tất nhiên các đối tượng bên trong và bên ngoài câu móc với nhau rất chặt chẽ.
Đơn cử như trang Quan Làm báo, chỉ trong vòng 4 tháng, tính từ cuối tháng 5/ 2012, tổng cộng đã có gần 900 bài, trong đó gần 400 bài được soạn và đưa từ trong nước và hơn 150 bài lấy từ các trang mạng phản động khác đăng lại. Điều đáng lưu ý là những bài viết này xuất hiện vào thời điểm mà tình hình chung đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Số lượng, tần suất các bài viết và thời điểm đăng tải được cho là đã được tính toán và sắp đặt từ trước bởi các thế lực phản động, chống đối.
Như đã thông tin, ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý việc một số trang thông tin điện tử (blog, mạng xã hội) đăng tải thông tin có nội dung vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo nói trên của Thủ tướng, ngày 13/9, trên một số trang mạng xã hội, blog lại xuất hiện các thông tin ngụy biện rằng, viết, bình luận trên internet là quyền tự do thông tin, việc siết chặt quản lý internet là vi phạm “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”...Đây là cách giải thích mang tính quy chụp, hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Ở Việt Nam hay nhiều quốc gia trên thế giới, việc thông tin trên internet đều phải tuân thủ những quy định, nguyên tắc cụ thể, trong đó dù ở nước đang phát triển hay các nước phát triển, các thông tin đăng tải lên internet phải đảm bảo tính khách quan, chính xác. Các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ cá nhân, tổ chức đều là phạm pháp và người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước luật pháp.
Có ý kiến cho rằng blog là nhật ký nên họ có quyền tự do viết bất kỳ những gì họ muốn. Tuy nhiên, blog chỉ coi là nhật ký cá nhân nếu được đặt chế độ riêng tư (chỉ có chủ nhân blog đó đọc được). Còn khi viết blog công khai trên mạng, thì người viết phải chịu trách nhiệm về nội dung đưa lên. Theo đó, hành vi sử dụng internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Lam linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét