1 thg 1, 2013

CHỦ NGHĨA ĐA NGUYÊN DẪN CHÚNG TA ĐẾN ĐÂU?

Từ nhiều thập kỷ nay, sự nghiệp cách mạng ở các nước XHCN đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng những khó khăn ấy, cách nhà tư tưởng của giai cấp tư sản đã, đang tìm cách “hiến kế” chữa trị “căn bệnh” của CNXH trên mọi lĩnh vực. Chúng kịch liệt phê phán các nước XHCN không áp dụng chủ nghĩa đa nguyên chính trị, chế độ đa đảng… coi đó là nguyên nhân dẫn đến mọi khó khăn, tồn tại.


Vậy chủ nghĩa đa nguyên là gì? Vì sao Việt Nam không chấp nhận? Hãy xem Chủ nghĩa đa nguyên dẫn chúng ta đến đâu.


Trước hết, chủ nghĩa đa nguyên là gì


Nếu nói một cách vắn tắt thì chủ nghĩa đa nguyên là một trường phái triết học – xã hội học tư sản. Xét về mặt thế giới quan, chủ nghĩa đa nguyên cho rằng thế giới bắt nguồn từ nhiều nguyên thể khác nhau, mặc dù cho đến nay chưa ai biết rõ thế giới bắt nguồn từ bao nhiêu nguyên thể và đó là những nguyên thể nào.


Trong lịch sử phát triển của nhân loại đã và đang có nhiều trường phái triết học khác nhau. Sự phân chia thành các trường phái triết học chỉ có ý nghĩa tuyệt đối với việc trả lời câu hỏi: thế giới do cái gì và vì cái gì mà ra, cái nào quyết định cái nào? Và như chúng ta đã biết, cả thuyết nhị nguyên lẫn thuyết đa nguyên sớm muộn không tránh khỏi roi vào thuyết nhất nguyên duy tâm bởi chúng không có cách nào khác ngoài sự cầu viện đến Trời, đến Chúa, đến Ý niệm tuyệt đối…,khi phải trả lời tiếp câu hỏi: Vậy thì các nguyên thể cùng tồn tại đó lại bắt nguồn từ cái gì nữa?


Vì thế, xét đến cùng, xưa nay trong lịch sử trết học chỉ có hai trường phái chính: nhất nguyên duy vật và nhất nguyên duy tâm, xét dưới góc độ bản thể luận. Cả thực tiễn lẫn các thành tựu khoa học đều chứng tỏ chỉ có thuyết nhất nguyên duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác – Lenin là có căn cứ khoa học và có sức thuyết phục cao. Cũng cần phải nói thêm rằng khi phân loại thành nhất nguyên hay đa nguyên, triết học Mác – Lenin lấy cách giải đáp vấn đề cơ bản của triết học (vật chất có trước hay tinh thần có trước) làm tiêu chuẩn chứ không lấy tiêu chuẩn nào khác. Nhưng có người lại ngụy biện, cho rằng đa nguyên là cái vốn có của Chủ nghĩa Mác – Lenin với lý do triết học Mác – Leenin có 3 nguồn gốc (triết học Đức, kinh tế học Anh, chủ nghĩa Cộng sản khoa học). Rõ ràng đó là ý kiến không só sức thuyết phục và có sự nhầm lẫn trong việ sử dụng các khái niệm: nguồn gốc của thế giới xét về mặt thế giới quan khác với nguồn gốc hình thành của từng môn triết học cụ thể.


Những điều vừa trình bày ở trên cho thấy rõ, đặc điểm về thế giới quan của chủ nghĩa đa nguyên là là phủ nhận tính thống nhất của thế giới, cho thế giới là những kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên thể, các yếu tố. Còn đặc điểm về phương pháp luận của nó là cường điệu, thổi phồng, tuyệt đối hóa cái đa dạng, cái riêng, cái khác biệt vốn luôn luôn có mặt trong thế giới, là đối lập giữa cái chung và cái riêng – vốn có quan hệ hữu cơ trong mỗi sự vật, hiện tượng.


Một câu hỏi được đặt ra: nguồn gốc giai cấp và xã hội của chủ nghĩa đa nguyên là ở đâu?


Phải khẳng định rằng, khi mới xuất hiện, chủ nghĩa đa nguyên gắn liền với giai cấp tư sản tự do. Nó phản ánh lợi ích và nguyện vọng của giai cấp này muốn khẳng định quyền tồn tại độc lập của giai cấp mình. Chủ nghĩa đa nguyên là sản phẩm của xã hội tư bản, có tác dụng tránh cho chế độ này không quá lao sâu vào các xu hướng tư sản cực đoan, mà đỉnh cao của nó là chủ nghĩa phát – xít. Và với bản chất tư hữu của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa đa nguyên được cả bọn tư bản độc quyền lợi dụng làm công cụ mị dân để “bốc thơm” cho nền dân chủ tư sản.


Cho đến nay, chủ nghĩa tư bản đã có 400 năm lịch sử. Chủ nghĩa đa nguyên cũng đã từ lâu tìm cách chữa bệnh cho chủ nghĩa tư bản. Song cho đến thời điểm hiện tại (và chắc chắn là cả trong thời gian tới), những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại và không vì thế mà đỡ phần gay gắt. Bên cạnh những thành tựu của nền dân chủ tư sản – một nấc thang tiến bộ của văn minh nhân loại so với chế độ chuyên chế phong kiến, xã hội tư bản vẫn đang còn đầy rẫy những hiện tượng bóc lột giai cấp, nô dịch dân tộc, những xu hướng bạo lực, khủng bố, phân biệt chủng tộc, tội ác bành chướng, xâm lược và chạy đua vũ trang ở khắp nơi. Mặc dù xã hội tư bản còn đầy những khuyết tật như vậy nhưng trước những khó khăn của CNXH, các nhà tư tưởng tư sản vẫn tìm cách “đục nước béo cò”, ra sức bôi đen CNXH, đồng thời tận lực tô hồng cho bộ mặt của chủ nghĩa tư bản như là một hình mẫu xã hội hiện đại đáng được nêu gương cho các nước khác, nhất là cho CNXH. Vì theo tâm tưởng “ấu trĩ” của chúng, CNXH đang đi vào ngõ cụt, không có tương lai và đang đi đến chỗ cáo chung. Tác hại của chiến dịch tuyên truyền chống cộng này đã làm xói mòn niềm tin vào tính tất yếu của CNXH, gây nhiễu thông tin dẫn đến nhiều ngộ nhận, kích thích thái độ bất mãn và tâm lý bi quan trong một bộ phận dân cư. Cách tác động tinh thần của các thế lực đế quốc và phản động quả là lợi hại. Đã xuất hiện đây đó trong các nước xã hội chủ nghĩa không ít những lời tán tụng chủ nghĩa tư bản, coi sự nghiệp xây dựng CNXH suốt mấy chục năm qua là là một sai lầm lịch sử. Cũng đã có cả những hành động “bẻ lái trở buồm” hướng đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa, hi vọng qua đó có thể tháo gỡ được khó khăn về kinh tế. Cái trò “đánh bạc về chính trị” ấy quả là hết sức nguy hiểm.


Chủ nghĩa đa nguyên dẫn chúng ta đến đâu?


Hiện nay lợi dụng những sơ hở, thiếu sót không thể tránh khỏi trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng ta, nhà nước ta, tình trạng vi phạm pháp luật, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở một số địa phương…các nhà tư sản vu cho CNXH là không có dân chủ, là chế độ cực quyền. Họ gán những thứ cỏ dại ấy cho bản chất của CNXH. Theo họ thì lối thoát duy nhất của CNXH chỉ có thể là đa nguyên nó theo hướng:


Một là, mở rộng dân chủ một cách không có giới hạn cho mọi cá nhân, tổ chức, tập đoàn, phe nhóm, khuynh hướng, mở toang cánh cửa cho mọi trào lưu văn hóa, tư tưởng và lối sống tư sản, thả nổi mọi khuynh hướng muốn khơi lại đống tro tàn của quá khứ như những thành kiến tôn giáo, những kỳ thị dân tộc và chủng tộc..


Hai là, thực hiện chế độ đa đảng và tổ chức chính trị đối lập với tư cách là những lực lượng đối trọng của chính đảng Mác – Leenin dưới chiêu bài tránh cho các đảng này rơi vào chủ nghĩa cực quyền mà tuyên truyền tư sản luôn gán ghép.


Theo quan điểm của chủ nghĩa đa nguyên chính trị thì các đảng Mác – Lenin đang lãnh đạo chính quyền và các đảng đối lập này là bình đẳng với nhau, luôn luôn đứng bên cạnh nhau, đối lập với nhau cả về thế giới quan, đường lối chính trị, tư tưởng, tổ chức, phương thức hoạt động, có quan hệ với nhau tùy theo phương thức hiệp thương, đối thoại. Các đảng này cạnh tranh với nhau về cương


lĩnh chính trị, về mô hình xây dựng đất nước, về tổ chức lực lượng, về tranh thủ quần chúng. Như vậy, có thể nói rằng, với lợi ích giai cấp, mục tiêu, cương lĩnh chính trị khác nhau, các đảng phái này sẽ chia quyền lãnh đạo, tiến tới thủ tiêu quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phá hoại thành quả cách mạng mà nhân dân đã giành được.


Ba là, cùng với chế độ đa đảng đối lập, chủ nghĩa đa nguyên chính trị còn chủ trương dựng lên một nhà nước hình mẫu theo nhà nước pháp quyền tư sản được mệnh danh là cơ quan quyền lực phản ánh tiếng nói chung, lợi ích chung của các phe nhóm, đảng phái tồn tại độc lập. Nhà nước này được coi là đại diện cho tất cả các phe nhóm và đảng phái, có trách nhiệm tìm kiếm sự thỏa hiệp trên cơ sở điều hòa các lợi ích riêng vốn bình đẳng nhau, có tiếng nói độc lập, vượt khỏi cái hạn hẹp của các thiên kiến giai cấp, cái độc quyền của chủ nghĩa quan liêu vốn là căn bệnh bẩm sinh của các nhà nước có giai cấp. Xưa nay, không có kiểu nhà nước đứng trên giai cấp và ngoài giai cấp cả. Chỉ có nhà nước của ai, do ai, vì ai thôi.


Qua những lộ trình thênh thang của chủ nghĩa đa nguyên, chúng ta có thể kết luận những điều gì?


Phải nói rằng, nếu những ý tưởng trên dùng để “hiến kế” cho chủ nghĩa tư bản thì đó không phải là điều làm chúng ta bận tâm. Mỗi nước sẽ tự chọn lấy con đường của mình cho là tốt nhất và sự lựa chọn đó rồi sẽ được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng hay sai. Song các nhà tư tưởng tư sản với vẻ dương dương đắc thắng lại đang hiến kế cho CNXH, vì thế buộc chúng ta phải có ý kiến và nghiêm túc xem xét những hậu quả có thể xảy ra nếu làm theo “thiện chí” của họ.


Trước hết, luận điểm của chủ nghĩa đa nguyên toát lên thái độ “kiêu ngạo tư sản” đối với chủ nghĩa xã hội. Nó xuất phát từ chỗ cho rằng thắng lợi của chủ nghĩa tư bản là điều hiển nhiên và tính ưu việt của nó đã được khẳng định, rằng chủ nghĩa xã hội muốn thoát khỏi khủng hoảng và trở nên hấp dẫn phải lấy chủ nghĩa tư bản làm gương, lấy thiết chế đa nguyên tư bản chủ nghĩa làm hình mẫu, hay nói khác đi: CNXH phải quy tụ về dưới chân chủ nghĩa tư bản.


Hiện nay, mặc dù CNXH vừa đang trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng, song không thể vì thế mà có thể phủ nhận cái tất yếu mang tính quy luật của sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Có chăng chỉ là ở chỗ cái tất yếu đang bị nhiễu bởi những biến dạng, những hạn chế, sai lầm, thiếu sót chủ quan trong nhận thức và vận dụng ý luận vào thực tiễn. Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản lại trải qua hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Có thể nói khủng hoảng kinh tế - xã hội là căn bệnh kinh niên và là người bạn đồng hành của chủ nghĩa tư bản. Không kể đến những cuộc khủng hoảng toàn diện, sâu sắc của những năm 30 và 40 của thế kỷ trước, mà trong mấy thập kỷ trở lại đây, tính ra cứ khoảng 10 năm chủ nghĩa tư bản lại một lần bị chấn động bởi một cuộc khủng hoảng mới: hết khủng hoảng cơ cấu, khủng hoảng năng lượng lại đến khủng hoảng về thị trường tiêu thụ, thị trường chứng khoán, tiền tệ, tài chính… Mặc dù biết thích nghi, lợi dụng những tiến bộ mới của cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật hiện đại nên tránh được những chấn động lớn, những mâu thuẫn của nó – bắt nguồn từ mâu thuẫn cơ bản giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa hết sức phát triển với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa mà cơ sở là chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa – vẫn chưa mất đi: mâu thuẫn giữa tư sản với vô sản, giữa lợi ích dân tộc với lợi ích của các tập đoàn tư bản, giữa nguyện vọng sống trong hòa bình, tiến bộ xã hội với chính sách hiếu chiến, xâm lược và chạy đua vũ trang… Điều đó đủ để khẳng định rằng thắng lợi của chủ nghĩa tư bản phải đâu là hiển nhiên, do tính ưu việt của nó như các nhà tuyên truyền tư sản đã bung ra.


Hai là, trong một xã hội hãy còn giai cấp và đấu tranh giai cấp mà nói đến thực hiện quyền dân chủ như nhau cho các giai cấp và thế lực đối lập thì chỉ là một ảo tưởng về quan niệm, mơ hồ về lập trường giai cấp.


Vẫn biết mỗi chế độ dân chủ đã tồn tại trong lịch sử là một bước tiến của văn minh, một nấc thang của tiến bộ xã hội, song chúng đều là nền chuyên chính của một giai cấp: Chuyên chính chủ nô, chuyên chính tư sản, chuyên chính vô sản. Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của quan điểm mác – xít cho rằng dân chủ luôn luôn là một phạm trù lịch sử, nó chỉ xuất hiện khi nhà nước xuất hiện và luôn luôn gắn với một liểu nhà nước nhất định, một luật pháp nhất định – trong đó xác định rõ quyền và nghĩa vụ công dân.


Tuy vậy, không được phép quên cái thực chất của vấn đề dân chủ là ở chỗ: Nó là của ai, đem lại quyền lợi cho ai. Từ xưa đến nay, chưa ở đâu và chưa bao giờ lại có một chế độ dân chủ phi giai cấp. Do đó cũng làm gì có dân chủ như nhau cho những giai cấp, tầng lớp xã hội có lợi ích chính trị và kinh tế đối lập nhau. Trong những trường hợp ấy, cái dân chủ mà chủ nghĩa đa nguyên chủ trương chỉ có thể là dân chủ cực đoan. Một chân lý hiển nhiên và sơ đẳng là dù một nhóm nhỏ cũng


cần có nhóm trưởng, một dàn nhạc cũng cần có nhạc trưởng, nếu không sẽ diễn ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, “năm bề bảy mối”. Vậy thì dân chủ đa nguyên sẽ đưa CNXH đến đâu? Đến câu lạc bộ của các dễn đàn dân chủ chăng? Trên thực tế, cái dân chủ chung chung, cái dân chủ cực đoan ấy tất yếu sẽ dẫn đến dân chủ tư sản, như chúng ta đã và đang chứng kiến những biểu hiện của nó ở một số nước XHCN ở Đông Âu. Và như chúng ta đã biết dân chủ tư sản không phải là dân chủ cho mọi người, cho đông đảo quần chúng nhân dân.


Ba là, quan điểm đa đảng chính trị đối lập của chủ nghĩa đa nguyên nếu được áp dụng vào CNXH sẽ dẫn đến nguy cơ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của chính đảng vô sản, hạ thấp xuống hàng các tổ chức chính trị bình thường. Nó hoàn toàn đối lập với lý luận về đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác – Lenin. Nó làm xói mòn sức mạnh của hệ thống chuyên chính vô sản với tư cách là công cụ bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động mà nếu không có nó ta không thể xây dựng thành công CNXH. Chúng ta hãy cùng nhớ lại tình thế cách mạng nước ta những năm 1945 – 1946, với những hoạt động khủng bố của bọn “Việt quốc”, “Việt cách”…


Điều gì sẽ xảy ra nếu như trong CNXH, các đảng chính trị có lập trường và hệ tư tưởng đối lập đấu tranh với nhau, giành giật ảnh hưởng của nhau, sử dụng các thủ đoạn để thôn tính lẫn nhau? Các nhà tư tưởng tư sản thường lấy “quyền” tồn tại hợp pháp của các đảng cộng sản trong một số nước tư bản chủ nghĩa để chứng minh cho nền dân chủ tư sản, cho thuyết đa nguyên chính trị tư sản. Về thực chất đây chỉ là một sự ngụy biện, bởi hiện đang còn một số không nhỏ các Đảng Cộng sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tư bản chủ nghĩa. Còn sự tồn tại của các đảng tư sản được coi là “đối lập” như Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ở Mỹ thì về cơ bản cũng không phải là do hoặc nhờ vào chủ nghĩa đa nguyên mà chỉ là hệ quả của cuộc tranh giành và chia sẻ quyền lợi giữa các tập đoàn khác nhau trong cùng một giai cấp – giai cấp tư sản cầm quyền, theo cùng một lập trường- lập trường tư sản, nhằm cùng một mục tiêu chính trị - mục tiêu duy trì và củng cố chế độ áp bức, bóc lột tư bản chủ nghĩa.


Bốn là, chủ nghĩa đa nguyên chính trị còn chú trọng xuyên tạc bản chất của chính quyền Nhà nước XHCN.


Điều này cũng dễ hiểu vì lẽ xưa nay, vấn đề nhà nước trực tiếp động chạm đến lợi ích của các giai cấp nhiều hơn bất kỳ vấn đề nào khác. Những người theo chủ nghĩa đa nguyên lợi dụng sự tồn tại khách quan của những lợi ích riêng trong xã hội để ngăn cản sự thống nhất về chính trị và tinh thần của nhân dân lao động, thậm chí muốn xóa bỏ sự thống nhất đó. Chủ nghĩa đa nguyên nhăn cản những người lao động thi hành nghĩa vụ công dân, xa rời Nhà nước XHCN, biến nó thành “nhà nước phúc lợi chung” tồn tại bên ngoài và bên trên các giai cấp, nói khác đi làm biến chất chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước XHCN. Tiếp đó, họ vu khống Nhà nước XHCN là một nhà nước khủng bố, chuyên quyền và bạo lực, cực đoan mỗi khi nó buộc phải dùng những biện pháp cứng rắn đối với các hành vi phạm pháp, phải dùng các công cụ bạo lực để đập tan những âm mưu và hành động đen tối của các thế lực phản động xâm phạm thành quả của CNXH. Chúng ta không phủ nhận rằng trong thực tế có thể xuất hiện ở đây đó những hiện tượng độc đoán, chuyên quyền, những biểu hiện “xa dân”. Song đó không phải là bản chất của Nhà nước XHCN với tư cách là một Nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân, lấy tổ chức và xây dựng làm chức năng chủ yếu.


Thực ra, nếu nền dân chủ đa nguyên và chế độ chính trị đa nguyên được du nhập vào các nước XHCN thì hệ quả tất yếu sẽ là CNXH biến chất và hòa nhập vào chủ nghĩa tư bản bằng con đường “diễn biến hòa bình”. Và khi như vậy thì xã hội loài người sẽ không diễn ra như một quá trình lịch sử tự nhiên, thì sau chủ nghĩa tư bản sẽ không có chế độ xã hội nào thay thế kế tiếp và chắc chắn lịch sử sẽ kết thúc ở chủ nghĩa tư bản. Con đường phát triển từ thấp đến cao của xã hội loài người sẽ không còn nữa và chủ nghĩa xã hội sẽ không còn là một tất yếu lịch sử của thời đại chúng ta.


Chủ nghĩa đa nguyên rõ ràng là một công cụ lợi hại của chủ nghĩa tư bản, một thứ thuốc độc có pha đường. Việc Việt Nam không chấp nhận nó là có căn cứ và cần thiết để đảm bảo sự tồn tại và vững mạnh của chế độ XHCN ưu việt. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Lao động Liên Xô ngày 18/7/1989: “…Chúng tôi không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên như là sự đa dạng của các trào lưu chính trị khác nhau, kể cả các trào lưu tư sản. Chúng tôi phản đối chế độ đa đảng, phản đối sự tồn tại của các đảng phản động, chống chủ nghĩa xã hội”.


Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những nguy cơ tiềm ẩn bất ổn về chính trị, các thế lực phản động toàn cầu đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” mà con bài mũi nhọn chính là tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại tư tưởng của công dân các nước XHCN hòng hình thành lực lượng đối lập, kích động biểu tình, bạo loạn để tạo cớ can thiệp từ bên ngoài làm nên các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng nhung”, “cách mạng đường phố”…lật đổ chế độ XHCN thì mỗi người cần nâng cao nhận thức chính trị, luôn cảnh giác trước mọi luận điệu chống phá của các thế lực thù địch. Điều đó là tiền đề đảm bảo cho việc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chính trị hàng đầu của dân tộc là xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

1 nhận xét:

Đảng Cộng sản Việt Nam chính là Tổ chức chính trị duy nhất nắm quyền lãnh đạo đất nước. Tin tưởng theo đường lối lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội

Đăng nhận xét

Người hâm mộ

 
Chia sẻ