Xin được bắt đầu bài viết với một số tri thức về kế “Tá đao sát nhân”(Mượn dao giết người) của người xưa để tiện cho việc trình bày những ý kiến đóng góp chủ quan của cá nhân về vấn đề biểu tình, kích động biểu tình chống Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đang ùn ùn nổi lên những ngày qua.
Trước hết, Mưu kế là gì? Điều này cắt nghĩa cho rõ thật là khó. Nhưng trong đời sống hàng ngày chẳng hoạt động nào của con người lại không dùng mưu kế. Nhân gian nói rằng tìm cách cũng chính là tìm kế, "Mưu kế là cách khôn khéo được tính toán kỹ, để đánh lừa đối phương nhằm đạt mục đích của mình". Nhưng thực chất có mưu kế không hoàn toàn là phải đạt mục đích "lừa" người khác. Vì vậy có thể hiểu mưu kế là cách hay phương pháp tốt để thực hiện một kế hoạch, ý đồ đã định ra.
Tuy nhiều kế mang tính chất gian ngoan, xảo quyệt, lừa bẫy, dối trá... Nhưng nếu loại bỏ những tính chất đó, chỉ xem xét về mặt nội dung và bản chất của nó thì mưu kế đều là sản phẩm của sự suy nghĩ, tìm tòi thông minh của con người nhằm đạt mục đích của mình. Do đó thực tế đã chứng minh, không phải chỉ có kẻ thù mới dùng mưu kế, mà cả những người theo chính nghĩa cũng sử dụng mưu kế chống lại kẻ thù. Mưu kế được coi là đạo đức hay không là do con người gán cho nó hình dung từ gì để phản ánh thực chất của nó. Nếu gán cho nó những hình dung từ mang tính xấu, thường làm cho mưu kế sai lạc mất ý nghĩa. Nhưng xét cho cùng nó vẫn là một kế hay, thể hiện sự thông minh của con người. Bởi vậy, không nên hiểu mưu kế qua hình dung từ của ngôn ngữ kèm theo mưu kế, mà cần hiểu bản chất thực của nó.
Nhắc đến mưu kế, người ta thường đề cập đến ngay "Tam thập lục kế". "Tam thập lục kế" xuất phát từ học thuyết chính trị Trung Quốc, có từ thời Nam – Bắc triều. Nhưng không phải là tác phẩm của một người hay một học phái nào. "Tam thập lục kế" được tích luỹ từ đời này sang đời khác của nhiều tác giả trong nhân gian trong cuộc sống chính trị ở Trung Quốc.
Con số "Tam thập lục" là con số được ưa dùng ở Trung Quốc. Nó xuất phát từ quan điểm triết học của người Trung Quốc xưa: "Lục lục Thái dương chi số" - 36 là con số của Thái dương (sáu sáu - ba sáu). Chính vì thế trong sách vở cũng như trong đời sống của người Trung Quốc trước đây, có nhiều con số 36 này. Hiểu đúng ra, "Tam thập lục" không phải là con số tối đa, nó có nghĩa thiên biến vạn hoá. Tất nhiên trong thực tế không phải chỉ dừng lại ở con số "tam thập lục" tức ba sáu mà nhiều hơn. Ngay con số "Tam thập lục kế" cũng không có nghĩa là con số bất biến. Trong thực tế người ta thấy rằng có nhiều hơn "tam thập lục" kế. Có sách xác định 36 kế này, nhưng cũng có sách xác định 36 kế, trong đó có một số kế khác. Những kế khác nhau đó có khi cùng một ý nghĩa với kế ban đầu, cũng có khi là một mang ý nghĩa khác. Nhưng xét cho cùng chúng đều có chung một mục đích.
Đặc điểm của "Tam thập lục kế" là mỗi kế thường dùng 4 chữ tạo thành "thành ngữ" cho dễ đọc, dễ nhớ (đây cũng là thói quen dùng "thành ngữ" của người Trung Quốc). Có thể mô phỏng một câu chuyện trong nhân gian (xuất xứ của thành ngữ), có thể là một hình tượng thực tế v.v...Có thể kể đến một số kế mà người xưa hay dùng và đã từng gắn với những chiến công lừng lẫy lưu danh muôn thủa của các nhà cầm quân tài ba trong lịch sử như: Man thiên quá hải (Dối trời vượt biển), Nhất tiễn song điêu (Một mũi tên bắn chết hai con chim ưng), Tá đao sát nhân (Mượn dao giết người), Thanh đông kích tây (Reo hò phía Đông, tấn công phía Tây), Điệu hổ ly sơn (Nhử hổ ra khỏi rừng)…
Một trong những kế rất hiểm mà người xưa hay dùng đó là “Tá đao sát nhân”, kết quả có thể đạt được khi sử dụng kế này cực kỳ to lớn, thậm chí không cần tốn một chút công sức nào trong việc “dùng binh”. Đặc biệt là khi có điều kiện thuận lợi để hạ kẻ thù hoặc trong bối cảnh giao tranh mà tương quan lực lượng không có lợi cho bên mình. Nghĩa đen của “Tá đao sát nhân”là: Mượn dao giết người (Mượn tay người khác giết kẻ thù).
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng” (giết người không thấy máu, thấy máu không anh hùng). Trên đời này chưa có kẻ nào chỉ giết người mà anh hùng, nhưng cũng hiếm có tay anh hùng nào không giết người. Điểm khác nhau không ở chỗ có hay không mà ở chỗ thông minh hay ngu xuẩn. Ví như Tào Tháo mượn Lưu Biểu giết Nễ Hành, mượn lòng quân giết Dương Tu rồi lại làm được cái việc mèo già khóc chuột, thật đáng kể là một tay thông minh, gian hùng.
Thời Xuân Thu, nước Tề cho quân tiến vào đồn trú đất Văn công chuẩn bị đánh nước Lỗ. Để cứu nguy cho đất nước, Khổng Phu Tử cử người học trò giỏi của mình là Tử Cống đi thuyết phục các nước chư hầu. Tử Cống khôn ngoan lại có tài ăn nói, trước tiên thuyết phục chủ tướng nước Tề chuyển sang đánh Ngô thay vì đánh nước Lỗ. Sau đó lại nhanh chân ngày đêm đi tới nước Ngô, khuyên Ngô vương xuất binh đánh quân Tề. Sau khi Tề và và Ngô đánh nhau, Tử Cống lại tới nước Tấn, khuyên Tấn vương chỉnh đốn binh mã để đề phòng nước Ngô. Không bao lâu sau, gây nên hai cuộc chiến tranh, giao tranh giữa Tề và Ngô, rồi giao tranh giữa Ngô và Tấn. Cho nên người đời sau mới có câu: Làm rối loạn nước Tề, quấy phá nước Ngô, làm mạnh nước Tấn là để bảo tồn nước Lỗ. Kế “Tá đao sát nhân” được sử dụng rất phổ biến trong binh pháp cổ đại của Trung Quốc.
Đây có thể coi là một kế mang tính chất "độc", một kế rất nham hiểm. Vì kế "Tá đao sát nhân" đồng nghĩa với tính xấu. Nghĩa rộng của kế "Tá đao sát nhân" là mượn lực lượng của người khác, mượn cớ, mượn danh nghĩa khác để hoạt động.
Trở lại vấn đề, thời gian gần đây, tình hình tranh chấp biển Đông biễn biến phức tạp. Các nước và các bên có liên quan có những động thái để tuyên bố và khẳng định chủ quyền của mình. Đặc biệt, Trung Quốc với chủ trương “Độc chiếm biển Đông” liên tiếp có những hành động khiêu khích và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Họ ngang ngược nêu yêu sách chủ quyền về “đường chữ U chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) chiếm hơn 80% diện tích biển Đông. Trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc thường xuyên tiến hành các hoạt động như đánh bắt cá, gia tăng các hoạt động khống chế và uy hiếp ngư dân Việt Nam, liên tục cho tàu hải giám, ngư chính tuần tra. Nghiêm trọng hơn, vào tháng 5 và tháng 6 năm 2011, tàu hải giám Trung Quốc đã ắt cáp và thực hiện phá hoại đối với tàu Bình Minh 2 thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tàu Viking 2 của Nauy do Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam thuê trong khi 2 tàu này đang tến hành khảo sát tại phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hoạt động này đã và đang làm cho tình hình biển Đông hết sưc căng thẳng.
Những hoạt động ngang ngược của Trung Quốc đã khiến nhiều người dân Việt Nam bất bình, bức xúc. Do vậy, từ ngày 5/6/2011 đến nay đã xảy ra một số cuộc tụ tập, biểu tình tự phát của người dân thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để phản đối Trung Quốc. Mặc dù hậu quả của chúng chưa nghiêm trọng nhưng tiềm ẩn rất nhiều yếu tố phức tạp. Các cuộc biểu tình này đã ảnh hưởng lớn đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời ảnh hưởng đến chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông thông qua hào bình, đối thoại của Đảng ta. Nguy hiểm hơn, đã có những bằng chứng xác thực cho thấy các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang tìm mọi cách lợi dụng các cuộc biểu tình này để chuyển thành hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước. Tổ chức phản động lưu vong Việt Tân nhận định tình hình biển Đông đang tạo cơ hội cho chúng mở rộng phạm vi ảnh hưởng vào trong nước. Chúng đề ra chủ trương tăng cường móc nối với số đối tượng chống đối trong nước tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng tham gia biểu tình cho người dân để hướng hoạt động biểu tình của người dân sang biểu tình chống Đảng. Số đối tượng cơ hội chính trị, phần tử bất mãn, đối lập, chống đối đã và đang tìm mọi cách lợi dụng khẩu hiệu “chống Trung Quốc bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa” để hình thành phong trào xuống đường liên tục vào các ngày chủ nhật, đặc biệt thông qua các mạng Internet. Âm mưu của chúng là thông qua các cuộc biểu tình tập dượt các kịch bản huy động quần chúng xuống đường biểu tình, để khi có điều kiện, thời cơ sẽ kích động quần chúng tiến hành cuộc “cách mạng đường phố” lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản giống như các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” xảy ra ở Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông gần đây… Đó chẳng phải là “Tá đao sát nhân” sao. Ý đồ chống đối của các thế lực thù địch với Việt Nam là vấn đề muôn thuở. Ở mỗi giai đoạn lịch sử nó được thực hiện dưới hình thức nào cho thật nham hiểm, tinh vi để dễ đạt thành công mà thôi.
Hãy nhìn lại lịch sử, trong khi chính quyền cách mạng của ta còn trong trứng nước, Cơ quan tình báo Pháp đã thực hiện âm mưu hòng gây ra vụ binh biến vào ngày 14/7/1946 và sử dụng làm cớ để tiêu diệt chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chúng dự định sử dụng các phần tử phản cách mạng đóng giả làm lực lượng cách mạng của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bắn vào đoàn lính Lê dương Pháp đang diễu binh chào mừng Quốc khánh nước Cộng hoà Pháp tại Bờ hồ Hoàn Kiếm. Lấy cớ đó Pháp vu cáo Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đàn áp quân đội Pháp và ngay lập tức làm đảo chính, bắt giữ toàn bộ chính phủ ta, dựng chính phủ bù nhìn thân Pháp. Tất nhiên âm mưu này đã bị lực lượng an ninh của ta phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Trong vụ này, Pháp đã dùng kế "Tá đao sát nhân" để thực hiện âm mưu thâm độc của mình. Đây cũng là kế được cơ quan tình báo Đức phát xít sử dụng thành công, mượn tay Xta-lin giết hại nguyên soái, Thứ trưởng thứ nhất Bộ quốc phòng Liên-Xô Tukhachevxki năm 1937.
Khi chủ quyền lãnh thổ bị xâm phạm thì lòng yêu nước của mỗi người dân nước Việt lại trỗi dậy. Từ bao đời nay, tiếp nối qua nhiều thế hệ, ông cha ta đã đổ mồ hôi công sức và cả máu xương để gìn giữ, bảo vệ lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hiện nay là rất rõ ràng. Phát biểu tại Lễ mít tinh quốc gia nhân ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011 tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) ngày 8-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh :“Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, làm thế nào để thể hiện lòng yêu nước của mỗi con người một cách đúng mực và thông thái ? Thực tế cho thấy, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao chính nghĩa, lẽ phải, phát huy nội lực đi đôi với tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc lãnh thổ và chủ quyền biển đảo. Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên vùng biển của Việt Nam. Chúng ta quyết tâm xây dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hội nhập để xây dựng và phát triển đất nước. Đó là sự thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước một cách khoa học, thông thái và đúng mực.
Và thêm một chút nữa, như là những tâm sự chân thành nhất của bản thân xung quanh vấn đề này đối với mọi người (dù đã tham gia biểu tình, đã bị kích động biểu tình hay chưa có điều kiện để quan tâm tới vấn đề này). Vì thời gian qua chứng kiến, theo dõi tình hình bọn phản động cứ phao tin, tuyên truyền lôi kéo học sinh, sinh viên biểu tình chống Trung Quốc trên mạng Internet, tôi đã thấy ghét cay đắng những luận điệu lừa bịp, chống đối này. Tôi cũng như phần đông các bạn may mắn được sinh ra trong một đất nước hòa bình, ổn định. Nhắc tới vấn đề biển Đông từ trước đây tôi đã có điều kiện hiểu biết hơn bạn bè cùng trang lứa chút ít và tôi có anh trai học Hải Quân và 1 bác, 3 chú (cả bên nội và bên ngoại) công tác trong Quân chủng Hải quân. Có người xa nhà đã lâu chưa được về. Tôi được nghe kể nhiều về Lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, đặc biệt là những câu chuyện về thời chiến, về những đoàn tàu không số anh hùng. Và tất nhiên, việc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số đảo khác của Việt Nam bị xâm phạm nghiêm trọng tôi cũng rõ phần nào. Những câu chuyện đó làm tôi thêm yêu đất nước mình hơn, yêu người lính Hải quân nhiều hơn, ý thức hơn về trách nhiệm của mình bây giờ và sau này. Đặc biệt là những câu chuyện mà ít người biết đến về việc họ đưa người, tàu ngang nhiên xâm phạm vào vùng lãnh thổ trên biển của nước mình theo quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam, thậm chí tàn nhẫn giết hại cả ngư dân Việt Nam; và không thể không nhắc đến những mảnh chuyện về tấm gương anh hùng, gan dạ, lòng yêu nước nồng nàn của người lính Hải quân không quản xa xôi, khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ cuộc sống cho nhân dân vùng biển, đảo ở nơi đầu sóng ngọn gió. Phải khẳng định một điều rằng có những người lính đã ngã xuống ngay trên từng chiếc tàu tuần tra canh giữ, khi đang làm nhiệm vụ. Có những người đã mãi mãi ra đi mà có thể người thân, bạn bè của các anh vẫn chưa biết, thậm chí nhiều người trong số chúng ta cũng không hề hay biết.
Đã ai trong số chúng ta được dự những bữa cơm “đoàn tụ” – theo đúng nghĩa của nó – với những người thân công tác xa nhà, những người lính chỉ biết trọn đời hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà nhân dân giao phó. Đó là những bữa cơm không báo trước, những bữa cơm mừng người trở về, hiếm hoi…nhưng cũng là niềm mong ước của người cha, người mẹ, người vợ, của những đứa con mà có thể chúng không biết hoặc không thể nhớ nổi mặt mũi của người đã sinh thành ra chúng… Đó là bữa cơm của những giọt nước mắt chưa kịp khô trên đôi mắt ngóng chờ mỏi mòn của người vợ, người mẹ; và sau bữa cơm dưa cà quê hương vội vã, tất nhiên, lại là những giọt nước mắt chia li chưa rõ ngày về. Tuy vậy, đó là sự may mắn, bởi cũng những sự ra đi như thế… nhưng nhiều người đã mãi mãi không trở về. Chiến tranh đã đi xa trong tâm tưởng của nhiều người Việt Nam như là sự trôi đi của dĩ vãng để lật tiếp những trang sử mới, nhưng đối với những người lính thì đó lại là một thách thức mới, một nhiệm vụ mới, vì trên con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc – họ phải là những người lính tiên phong - thành trì của chế độ, những người mà hơn ai hết – họ phải nhận thức được tầm quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp, về âm mưu thù địch lâu dài của kẻ thù.
Nhân dân ta có một nòng yêu nước nồng nàn, đó là tinh thần được hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong lịch sử Việt Nam, sách lược đoàn kết, thống nhất mà điểm tựa là “nòng yêu nước” đã trở thành một truyền thống quý báu và là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là những hành động xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân, trong đó đa phần là giới trẻ và sinh viên, học sinh. Tuy nhiên, sau đó, những cảm xúc yêu nước chân chính và cách thức thể hiện của người dân đã bị một số thế lực chống đối trong và ngoài nước lợi dụng. Họ kêu gọi tại các trang blog cá nhân, thậm chí kích động, hướng dẫn người dân biểu tình, tuần hành, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình an ninh trật tự ở nhiều đường phố, khu vực của Thủ đô. Từ việc biểu tình, tuần hành thể hiện lòng yêu nước phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, đã xuất hiện những hành động quá khích để rồi sau đó được những kẻ mang trong mình dã tâm, mưu mô xảo quyệt thổi phồng, rêu rao chiêu bài tự do, nhân quyền chống Nhà nước ta… Một số phần tử đã có những hành vi, lời nói nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, công kích, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Và chỉ chờ có vậy, tài khoản của các đối tượng này được tăng lên gấp nhiều lần. Sâu xa hơn nữa, họ còn có mưu đồ kích động, lợi dụng các cuộc biểu tình, tuần hành nhằm mục tiêu “tập dượt” trong việc “tập hợp lực lượng” chống đối chính quyền… Như vậy, chúng ta đều nhận thấy một kịch bản dường như đã từng xảy ra cả trong lịch sử Trung Quốc, lịch sử Việt Nam.Theo trình bày ở trên, đó chính là âm mưu “giả chống Trung Quốc, thực chống chính quyền Việt Nam”, tựa như “Tá đao sát nhân” của các thế lực thù địch với Việt Nam.
Có thể nói, tình cảm yêu nước của nhiều người đã bị kẻ xấu lợi dụng để “tổ chức” thành những buổi “trình diễn lòng yêu nước” ngoài trời, hàm chứa trong đó nhiều vấn đề bất ổn mà chính những người tham gia cũng khó nhận ra. Do đó lòng yêu nước chân chính của mỗi người đòi hỏi sự đúng mực và thông thái để có thể tỉnh táo, không bị lôi kéo, lợi dụng. Lòng yêu nước của mỗi người là thiêng liêng, không ai, không nhóm người nào được “độc quyền” lòng yêu nước để nhằm trình diễn, đánh bóng cho mình.
Ở mức độ nào đó, người ta có thể đặt lại câu hỏi: Vậy phải chăng những người không tham gia biểu tình, tuần hành là không yêu nước ?
Nên nhớ rằng, ngay lúc này đây, biết bao nhiêu triệu người Việt Nam cả ở trong và ngoài nước đang cần cù học tập, nghiên cứu, lao động, sáng tạo… với mục đích để đất nước ngày mai đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Dân có giàu thì nước mới mạnh, và họ đang cần mẫn dựng xây sự vững chắc từ những tế bào của quốc gia. Cũng ngay lúc này đây, để chúng ta được sống trong khung cảnh hòa bình, hợp tác và phát triển với bạn bè quốc tế, nơi biên giới trên đất liền hay nơi đầu sóng ngọn gió ở những vùng biển đảo xa xôi, biết bao người con của nước Việt đang thầm lặng chịu đựng gian khổ, hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc… Cũng như truyền thống yêu nước của dân tộc ta, lòng yêu nước của từng con người đang hòa quyện trong khối đại đoàn kết của toàn dân tộc, đó chính là sức mạnh Việt Nam – sức mạnh của thời đại. Không thể có lòng yêu nước chân chính nếu tách rời khỏi khối đại đoàn kết của toàn dân tộc, tách rời sự ổn định, hòa bình và phát triển của đất nước.
Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Thiết nghĩ để bảo vệ được chủ quyền Tổ quốc, mỗi người dân chúng ta cần có những đóng góp thiết thực chứ đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng, trở thành “con bài” của các thế lực thù địch, chống đối. Hãy tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua hòa bình, đối thoại của Đảng, Nhà nước. Đó cũng là con đường duy nhất đúng đắn để ta bảo vệ chủ quyền. Cần ý thức được rằng giải quyết vấn đề biển Đông là vấn đề lâu dài chứ không thể ngày một ngày hai. Chúng ta có quyền tin tưởng dưới đường lối đơi ngoại đúng đắn của Đảng và sự nỗ lực của mọi người dân Việt Nam với cái đầu “tỉnh táo”, lòng yêu nước “đặt đúng chỗ” thì chắc chắn chúng ta sẽ giành lại và bảo vệ vững chắc chủ quyền ở các vùng biển đảo quê hương.
Giờ đây, với tất cả lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự cường của người Việt Nam, mọi người dân Việt Nam – đặc biệt là thế hệ trẻ hãy tích cực hưởng ứng chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, “Hướng về Trường Sa” cùng hàng loạt các chương trình, dự án khác nhằm hỗ trợ cho việc gìn giữ, bảo vệ vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc để chúng lan tỏa thành những phong trào sâu rộng, cuốn hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các ngành các cấp trong cả nước tham gia. Đó là những biểu hiện thiết thực của lòng yêu nước. Và rõ ràng, sức mạnh về lòng yêu nước của những chiến sĩ đang chắc tay súng giữa muôn trùng biển khơi được nhân lên gấp bội khi cả dân tộc ở bên họ, tiếp sức cho họ… .
KHI TÔI Ở CŨNG LÀ NƠI ĐẤT Ở - KHI TÔI ĐI ĐẤT ĐÃ HÓA TẤM HỒN
1 nhận xét:
chuan men
Đăng nhận xét